Hợp tác công tư nhằm giảm phát thải và phát triển nông nghiệp bền vững |
Hiệu quả từ chính sách hợp lý
Quảng Ninh đã nhận định, kết cấu hạ tầng giao thông là điểm nghẽn đối với sự phát triển của địa phương, việc xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng được xác định là một trong ba khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và còn phải dành vốn cho các công trình thiết yếu, cho quốc phòng, an ninh, và phúc lợi xã hội… nên Quảng Ninh đã đề xuất với Trung ương cho phép tỉnh huy động các nguồn lực xã hội.
Chính nhờ vậy, Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về đầu tư và quản lý đường cao tốc và cảng hàng không theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Qua đó, tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong số ít địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện và đồng bộ, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.
Cầu Bạch Đằng là đột phá trong thu hút vốn tư nhân |
Thực tiễn ở Quảng Ninh cho thấy, hiệu quả của việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP không chỉ góp phần rất quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại cho một địa phương mà đây là minh chứng rõ ràng nhất về quan điểm Nhà nước - nhà đầu tư đồng hành, làm thay đổi nhận thức của xã hội, đặc biệt giữa doanh nghiệp và các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh và nhân dân về hình thức đầu tư này. Đặc biệt sự tham gia của khối tư nhân trong các dự án PPP khẳng định, việc thực hiện đồng bộ các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đã có hiệu quả, thỏa mãn lợi ích 3 bên (chính quyền, người dân, doanh nghiệp), cung cấp kịp thời các dịch vụ tốt hơn đáp ứng yêu cầu cho đối tượng thụ hưởng, thay vì khả năng phải chờ đợi nhiều năm sau.
Ông Hoàng Quang Hải - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh chia sẻ, trong điều kiện các dự án hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn lớn, không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước, việc tiếp cận vốn vay ODA ngày càng khó khăn vì nhiều điều kiện ràng buộc, tỉnh Quảng Ninh đã xác định, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển gắn với tái cơ cấu đầu tư công; đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đầu tư công - quản lý tư" và "đầu tư tư - sử dụng công theo hình thức PPP". “Trung bình, cứ một đồng ngân sách bỏ ra, Quảng Ninh huy động được từ tám đến chín đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư” - ông Hải cho biết.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, nhất là trong giải quyết thủ tục về quy hoạch, đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, có các chính sách hỗ trợ và đồng hành với nhà đầu tư… được thể hiện rõ trong các dự án ở tỉnh Quảng Ninh.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 7 dự án hạ tầng giao thông mà tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện theo hình thức đầu tư PPP, đó là: Cầu Bạch Đằng và nút giao cuối tuyến; Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương; đường dẫn cầu Bắc Luân II, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, cầu phao tạm trên sông Ka Long và các hạng mục công trình đảm bảo hoạt động của cầu phao tạm tại Km3+Km4 phường Hải Yên (Móng Cái); quản lý cảng thủy nội địa xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ. Các dự án PPP giúp Quảng Ninh giảm áp lực chi cho các dự án công trình lớn để dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời thúc đẩy khu vực tư nhân tạo ra một mô hình cấu trúc dịch vụ công với hệ thống phân cấp hiệu quả.
Nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương |
Gần đây nhất, ngày 1/9/2022, tỉnh Quảng Ninh đã khánh thành tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được ví như "mảnh ghép" cuối cùng để hoàn chỉnh tuyến giao thông huyết mạch Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Thủ đô Hà Nội tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ còn 3 giờ, so với 6 giờ trước đây. Khi đi vào hoạt động tuyến cao tốc này đã tạo thành hành lang đường bộ và cửa ngõ giao thông kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với ASEAN và Trung Quốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: Đẩy mạnh hợp tác công tư phát triển hạ tầng giao thông là rất quan trọng. Trong đó, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hoàn thành là một minh chứng quan trọng trong hợp tác công tư. “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân” - Thủ tướng khẳng định.
Để thu hút dòng vốn ngoài ngân sách, Quảng Ninh tiếp tục ưu tiên cải cách thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, gắn với cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, giữ vững chỉ số PCI.Cùng với đó, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc ứng trước vốn, cũng như việc chi chuyển nguồn, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng liên kết vùng, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trong vùng.
Với việc xác định đúng hướng đi cùng với những cách làm riêng sáng tạo, Quảng Ninh đã đạt được thành công vượt trội trong huy động nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giảm bớt gánh nặng ngân sách, đồng thời tạo được hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại.
Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (dự kiến giai đoạn 2021-2025 là 58.700 tỷ đồng) như là vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác cho phát triển hạ tầng giao thông. |