Ảnh minh họa
CôngThương - Ông Ngô Quốc Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Quốc Việt, cho biết do thị trường Nhật chiếm 40-50% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của công ty (khoảng 50 triệu đô la Mỹ/năm) nên những gì đang xảy ra tại thị trường này sẽ gây không ít khó khăn cho công ty trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản Cafatex (Hậu Giang) - công ty có vài chục bạn hàng là doanh nghiệp Nhật - cho biết, sau sự cố động đất và sóng thần tại Nhật Bản, công ty chưa ký được hợp đồng mới nào vào Nhật Bản.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Thuận Phước (Đà Nẵng), việc một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản không ký được hợp đồng mới cũng là điều dễ dự đoán trong bối cảnh hiện nay. Còn về lâu dài, ông Lĩnh cho rằng, xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm chế biến từ tôm sẽ khó vào thị trường Nhật hơn vì đồng yen có thể mất giá do nước này phải chi ra một khoản tiền lớn để tái thiết cơ sở hạng tầng từ động đất và sóng thần.
Tuy công ty gặp khó khăn ở thời điểm hiện tại nhưng ông Kịch vẫn tỏ ra lạc quan khi cho rằng, có thể một số loại hải sản đánh bắt của nước này sẽ bị hạn chế vì bị nhiễm xạ; như vậy, nhu cầu tiêu thụ hải sản nhập khẩu của Nhật sẽ tăng lên và đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật cho biết, khoảng 10 ngày trở lại đây mốt số container thủy sản của Việt Nam bị mắc kẹt tại một cảng ở vùng bắc Nhật vì ảnh hưởng của động đất và sóng thần.
Ông Lĩnh cho biết, lúc đầu đã xảy ra tình trạng kẹt container tại một số cảng nhưng do Nhật có nhiều cảng biển nên chỉ sau một thời gian ngắn số container bị mắc kẹt đã được giải quyết bằng cách cập cảng Tokyo và một số cảng khác ở phía Nam.