Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3: Công nghiệp khởi sắc, xuất siêu 809 triệu USD Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4: Các lĩnh vực của ngành Công Thương nhiều khởi sắc |
Liên quan đến việc ép học sinh lớp 9 thành tích kém phải chuyển trường hoặc không đăng ký thi vào lớp 10, một số băn khoăn đã được đưa ra tại họp báo, như Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có giải pháp gì để xử lý việc này nhằm ổn định tâm lý cho học sinh trong giai đoạn chuyển cấp cũng như giải toả bức xúc cho phụ huynh học sinh?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ |
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, ngay sau khi được biết thông tin việc một số trường ở Hà Nội ép học sinh lớp 9 thành tích kém phải chuyển trường hoặc không đăng ký thi vào lớp 10, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Sở GD&ĐT rà soát, làm rõ thông tin này.
Sở đã yêu cầu Phòng GD&ĐT xuống các trường này rà soát, làm việc với trường và phụ huynh học sinh liên quan. Sau khi xác minh, Phòng GD&ĐT đã kết luận là không có sự việc này. Những thông tin liên quan đến việc ép học sinh không thi vào lớp 10 có thể xuất phát từ việc tư vấn hướng nghiệp cho các em học sinh cuối cấp.
Hiện nay, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND của UBND TP. Hà Nội về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2022-2023 đảm bảo chặt chẽ nghiêm túc, nếu phát hiện ra sai phạm sẽ xử lý kịp thời.
Về phía Bộ GD&ĐT, từ 28/12/2017, Bộ đã ban hành Công văn 6122 khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, tăng cường quản lý thi cử. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục ban hành các văn bản, đặc biệt sẽ triển khai nghiêm túc việc chống bệnh thành tích trong giáo dục.
Bộ cũng sẽ chỉ đạo các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ, tổ chức thực chất các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, xét tuyển vào THCS, THPT cũng như vấn đề thi tốt nghiệp. Đồng thời, Bộ GD&ĐT tiếp tục làm tốt công tác hướng nghiệp trong nhà trường, tránh không thực chất, làm hình thức dẫn đến việc thấy học sinh có thể chưa có kết quả tốt mà tư vấn chuyển trường này trường khác như sự việc vừa qua. Việc hướng nghiệp thực hiện theo Nghị quyết 29/TƯ sau năm 2020 hướng tới giáo dục bắt buộc 9 năm, đến lớp 10 sẽ phân bổ hướng nghiệp.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm.