Theo đó thông tin được đưa ra tại Phiên họp Chính phủ tháng 3 cho thấy, nhiều lĩnh vực KTXH đạt mức tăng trưởng nhanh nhất từ 2020 đến nay.
“Mức tăng trưởng đã tiệm cận mức tăng trước đại dịch, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và các đối tác, nhà đầu tư quốc tế”- Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, CPI quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ, tương đối thấp so với cùng kỳ các năm 2018-2021; các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm.
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 |
Đặc biệt, GDP quý I tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 (4,72%) và năm 2020 (3,66%). Doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường quý I đạt kỷ lục, 60.000 doanh nghiệp, gấp 3 lần cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp khởi sắc, giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,79%. Hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I đạt 176,35 tỷ USD (tăng 14,4%); xuất siêu 809 triệu USD. Thu ngân sách quý I đạt 35,5% dự toán, tăng trên 10% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, còn không ít khó khăn, thách thức. Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các cân đối lớn còn tiềm ẩn rủi ro; áp lực lạm phát tăng; giá cả đầu vào tăng, đặc biệt là giá xăng dầu; biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt trái mùa và tình hình tội phạm diễn biến phức tạp (nhất là trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, tội phạm công nghệ cao)...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông báo nội dung phiên họp Chính phủ tháng 3/2022 |
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thời gian tới là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bám sát tình hình diễn biến thế giới và trong nước, thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chủ động, linh hoạt, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH. Siết chặt kỷ luật tài chính - NSNN; tiết giảm tối đa chi thường xuyên. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; gia hạn nộp thuế...
Quyết liệt triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, khắc phục triệt để tình trạng manh mún, dàn trải, kéo dài.
Cùng đó chú trọng thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đầu cơ tăng giá bất hợp lý, trái quy định.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, tiêu cực, sai sự thật, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân. Tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.
Nhiều nội dung quan trọng về kinh tế xã hội đã được lãnh đạo một số bộ, ngành làm rõ tại buổi họp báo. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, từ năm 2017 đến nay, Nghị quyết 42 của Quốc hội ban hành đã tác động rất tích cực. Số nợ xấu đã được xử lý, giải quyết trong những năm qua thông qua Nghị quyết 42 là 380.000 tỷ đồng.
“Đây là khối lượng vốn rất lớn đã được quay vòng và tái tạo đầu tư trở lại nguồn vốn cho nền kinh tế”- Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Trong 2 năm vừa qua, do tác động ảnh hưởng của dịch bệnh đối với một số doanh nghiệp, lĩnh vực, nợ xấu chắc chắn xuất hiện. Vì vậy, nếu tiếp tục kéo dài Nghị quyết 42 làm cơ sở pháp lý để xử lý những khoản nợ đó sẽ tạo ra sự tích cực, lợi ích chung cho doanh nghiệp, cho xã hội và ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu.
Chính vì vậy, Chính phủ đã chấp thuận và đã trình Ủy ban Thường vụ làm thủ tục cũng như nghiên cứu đánh giá cho phép kéo dài Nghị quyết 42 thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin, từ khi ban hành Nghị quyết 11 đến nay (từ 30/1/2022), Chương trình phục kinh tế hồi đang được thực hiện rất tích cực.
Về vấn đề giải ngân, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, chỉ khi nào dự án đầy đủ thủ tục thì mới được thực hiện giải ngân. Tuy nhiên, Nghị quyết 43 của Quốc hội cũng cho phép bổ sung vốn của chương trình để giải ngân trước cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Nội dung này trong phiên họp Chính phủ tháng 3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ phương án phân bổ, bổ sung dự toán năm 2022 đợt 1 cho các dự án đã đầy đủ thủ tục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để sắp tới đây sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo đúng thẩm quyền phân bổ cho các bộ, ngành địa phương.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết cho các dự án để có thể giải ngân cho các dự án.
“Công tác giải ngân vốn chương trình phục hồi hiện nay được thực hiện rất tích cực nhưng phải bảo đảm yếu tố vừa nhanh, vừa đúng quy định pháp luật vừa hiệu quả”- Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.