Họp báo Chính phủ thường kỳ: Xuất siêu hơn 20 tỷ USD trong 8 tháng Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9: Lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao nhất để phấn đấu |
Chiều 04/11, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong điều kiện có rất nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt của Chính phủ, sự đồng lòng, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã tập trung triển khai có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và đạt kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Nổi bật là: Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt.
Lạm phát trong nước được kiểm soát trong bối cảnh lạm phát thế giới neo ở mức cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%), tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khóa thúc đẩy tăng trưởng và điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022.
An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và 34,9% về giá trị so với cùng kỳ). Thị trường lao động phục hồi, cân đối cung cầu lao động được bảo đảm.
Thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán, trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất 163,8 nghìn tỷ đồng (trong đó, miễn, giảm khoảng 57,3 nghìn tỷ đồng).
Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại và là điểm sáng. So với cùng kỳ, xuất khẩu tháng 10 tăng 5,9% và nhập khẩu tăng 5,2%; trong đó xuất nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh (xuất, nhập khẩu tháng 10 của khu vực kinh tế trong nước tăng lần lượt 15,1% và 8,5% so với cùng kỳ). Tính chung 10 tháng xuất siêu 24,61 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,56 tỷ USD).
Nông nghiệp phát triển ổn định và là điểm sáng; xuất khẩu nông sản 10 tháng đạt 43,08 tỷ USD; trong đó rau quả đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 78,9%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi tích cực trong điều kiện tổng cầu thế giới suy giảm, các chuỗi cung ứng đứt gãy cục bộ; chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2023 ước tăng 5,5% so với tháng 9 và tăng 4,1% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng tăng 0,5%.
Hoạt động thương mại dịch vụ diễn ra sôi động, duy trì mức tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ. Khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng đạt gần 10 triệu lượt, gấp 4,2 lần cùng kỳ, vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách của năm 2023.
Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đạt gần 402 nghìn tỷ đồng, bằng 56,74% kế hoạch, tăng 5,5% so với cùng kỳ, số tuyệt đối tăng khoảng 104 nghìn tỷ đồng.
Tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ; tổng vốn FDI thực hiện tiếp tục đà tăng, 10 tháng đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4%. Nhiều công ty, tập đoàn lớn, công nghệ cao đến Việt Nam và cam kết đầu tư. Trong tháng 10 đã ký hợp đồng triển khai Chuỗi dự án khí điện Lô B với quy mô đầu tư 12 tỷ USD.
Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Tính chung 10 tháng có 183,6 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 146,6 nghìn doanh nghiệp).
Thủ tục hành chính được tập trung cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp giải quyết; chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; các loại dịch bệnh được kiểm soát (trong tháng 10 chúng ta đã chuyển COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B); đời sống người dân được cải thiện. Nhiều lễ kỷ niệm, sự kiện chính trị, xã hội được tổ chức thiết thực, thành công.
Tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường.
Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh là điểm sáng và nền tảng để thu hút FDI tốt hơn, đặc biệt đối với các nhà đầu tư công nghệ.
Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về triển vọng phát triển của Việt Nam.