Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023: Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ năm 2022 Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng |
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, thông báo về nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nêu rõ tính chung 5 tháng, tình hình kinh tế có nhiều điểm sáng. Theo đó lạm phát được kiểm soát. CPI bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước.
Thu đủ chi, thu ngân sách nhà nước ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán. Xuất đủ nhập, xuất siêu 9,8 tỷ USD. Làm đủ ăn, xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,1 tỷ USD, tăng 40,8% về lượng và tăng 52% về giá trị. An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất điều hành giảm 3 lần liên tiếp, lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm; tỉ giá ổn định, phù hợp với diễn biến thị trường; chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng phù hợp, chắc chắn, linh hoạt, chủ động và kịp thời.
Quang cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ |
Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến. Trong đó, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch phục hồi nhanh, có gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 12,6 lần cùng kỳ, bằng 57,5% kế hoạch năm.
Đầu tư được thúc đẩy, giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/5 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch, tăng 41 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Qua đó, đã đẩy một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, giải quyết việc làm.
An sinh xã hội được bảo đảm. Công tác khám chữa bệnh được tích cực triển khai; Giáo dục, đào tạo được quan tâm chỉ đạo. Hoạt động kết nối cung - cầu lao động được tăng cường; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm; đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực, hiệu quả, nhất là ngoại giao kinh tế.
Thông tin truyền thông được tăng cường; tích cực đưa thông tin nhanh chóng, chính xác, tương đối đầy đủ về tình hình kinh tế xã hội của đất nước và ngăn chặn, gỡ bỏ, phản bác nhiều thông tin giả, xấu, độc, phản cảm, chống phá Đảng và Nhà nước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu |
Bộ trưởng Trần Văn Sơn cũng cho biết, trọng tâm điều hành tới đây là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời phải giữ vững được sự ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Trên tinh thần này, tại Phiên họp Chính phủ tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, yêu cầu các bộ, ngành địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả.
Cụ thể, từ kết quả thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa từ nay tới cuối năm, cần ưu tiên thực hiện hiện quả hơn nữa mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, tận dụng tốt các cơ hội và tạo không gian phát triển mới.
Tập trung đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Về tiêu dùng, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, khai thác và phát triển mạnh thị trường trong nước; đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Về đầu tư, quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, xử lý, giải quyết nhanh các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư.
Về xuất nhập khẩu, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, giữ vững và củng cố các thị trường truyền thống hiện có; tận dụng tốt các FTA đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định FTA mới.