Tại buổi họp báo Chính phủ tháng 6, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, dự báo cuối năm, kịch bản đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm với mức 6 - 6,5% có tính khả thi lớn. Kỳ vọng có thể còn đạt được mức cao hơn. Lạm phát ở Việt Nam chưa phải quá nóng, tuy nhiên nguy cơ và sức ép là hiện hữu.
Toàn cảnh họp báo Chính phủ |
Trước mắt có hai vấn đề cần tập trung giải quyết, đó là vấn đề giá cả, đặc biệt là giá xăng dầu cũng như các nguyên liệu đầu vào khác phải nhập khẩu. Vấn đề thứ hai mang tính ngắn hạn là tình trạng thiếu hụt lao động đặc biệt tại các trung tâm công nghiệp lớn khi nhiều lao động có tay nghề chưa sẵn sàng quay lại.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đâu tư Trần Quốc Phương |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất là cần gia tăng thêm các giải pháp để kết nối thị trường lao động. Những lao động vốn dĩ có tay nghề sau dịch bệnh đã về quê, để bù đắp lại được cũng cần thời gian. Giải quyết được vấn đề này thì kỳ vọng cho nền kinh tế cuối năm sẽ tích cực hơn kết hợp cùng các giải pháp phục hồi kinh tế xã hội.
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã thông tin về tình hình thực hiện các giải pháp góp phần kéo giảm giá xăng dầu. Theo đó hôm nay (ngày 4/7), sau khi được Chính phủ thông qua, Bộ trưởng Tài chính đã ký tờ trình với Ủy ban thường vụ Quốc hội về điều chỉnh giảm thêm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu trong năm.
Cụ thể, thuế này với xăng sẽ giảm từ 2.000 đồng xuống mức sàn là 1.000 đồng/lít. Các loại dầu, mỡ khác giảm 300-700 đồng/lít. Riêng mức thuế với dầu hỏa giữ nguyên 300 đồng/lít do đây là mức sàn trong khung thuế.
"Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và đã được đồng ý trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết trong thời gian sớm nhất theo thẩm quyền của cơ quan này. Thẩm quyền Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ quyết được ở mức sàn"- ông nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi |
Ông Chi cho biết với sản lượng tiêu thụ trong một tháng khi Nghị quyết này được áp dụng từ ngày 1/8/2022, ước tính giảm thu ngân sách từ giảm thuế bảo vệ môi trường khoảng 7.000 tỷ đồng, cộng thêm triển khai 2 nghị quyết giảm thuế với xăng dầu từ đầu năm giảm thu 25.538 tỷ đồng.
"Như vậy, ngân sách của Nhà nước khi thực hiện tất cả giải pháp sẽ ước giảm 32.538 tỷ đồng trong năm 2022", lãnh đạo Bộ Tài chính tính toán.
Về nguồn thu từ nhập khẩu xăng dầu tăng, ông Chi cho biết với lượng xăng dầu dự kiến theo báo cáo, số tăng thu ngân sách nhập khẩu xăng dầu trong năm 2022 khoảng 9.100 tỷ đồng.
Bên cạnh giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính sẽ chủ động các giải pháp khác như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT... "Chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để căn cứ diễn biến giá xăng dầu từ nay đến cuối năm để có động thái điều chỉnh phù hợp nhằm mục tiêu ổn định giá trong nước, hỗ trợ sản xuất tiêu dùng", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.