Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hạt nhân Việt Nam sẽ có Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân |
Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 15 (VINANST-15) do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), thu hút khoảng 70 tổ chức trong và ngoài nước với hơn 450 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học, các cán bộ quản lý của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan, các trường đại học trong nước và các đại biểu là giáo sư, chuyên gia nổi tiếng quốc tế đến từ các quốc gia có nền khoa học và công nghệ hạt nhân tiên tiến.
Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 15 (VINANST-15) |
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá, Hội nghị Khoa học và công nghệ hạt nhân toàn quốc (VINANST) là một sự kiện khoa học quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong những năm qua, công tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và đào tạo trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Ngành năng lượng hạt nhân Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức nhằm đạt được các mục tiêu phát triển, trong đó tập trung vào việc nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân; hỗ trợ tiếp thu, làm chủ, chuyển giao và phát triển công nghệ; tạo ra nhiều công nghệ, sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng những yêu cầu của đất nước.
Ông đánh giá hội nghị lần này đã có sự lớn mạnh về quy mô tổ chức, số lượng đại biểu, đặc biệt là nội dung và chất lượng các báo cáo khoa học. “Chúng tôi tin tưởng rằng kết quả của Hội nghị sẽ góp phần định hướng, xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển, đồng thời tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân của Viêt Nam”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Ảnh minh họa: VinAtom |
Ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – cho biết, hội nghị sẽ là dịp để nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế gặp gỡ và trao đổi các kết quả nghiên cứu, ứng dụng mới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân; cập nhật những ứng dụng mới nhất về công nghệ hạt nhân trên các lĩnh vực: Điện hạt nhân, y học, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, khảo cổ, địa chất…
Ông Hoàng cũng nhấn mạnh, thông qua hội nghị lần này, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận một số sáng kiến về các ứng dụng mới của công nghệ hạt nhân vào một số lĩnh vực tiềm năng tại địa phương, tạo ra những cơ hội hợp tác mang giá trị thiết thực, hiệu quả và bền vững.
Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 15 đã chọn được 195 báo cáo. Đây là các tham luận, báo cáo về lĩnh vực công nghệ hạt nhân và những ứng dụng của lĩnh vực này trong đời sống xã hội được các nhà khoa học, chuyên gia thế giới chia sẻ.
Trong đó, có thể kể đến như TS. In Cheol Lim (Phó Chủ tịch điều hành Viện Nghiên cứu Năng lượng Nguyên tử Hàn Quốc - KAERI), TS. Trần Chí Thành (Viện trưởng, Viện NLNTVN) và GS. TS. Jozef Misak (Viện Nghiên cứu hạt nhân Cộng hòa Séc) sẽ trao đổi về lịch sử hoạt động, các kết quả nghiên cứu hiện tại và định hướng phát triển của ngành năng lượng và công nghệ hạt nhân của các nước Hàn Quốc, Việt Nam và Cộng hòa Séc.
Tình hình phát triển và những hoạt động của IAEA liên quan đến các lò phản ứng mô đun nhỏ (SMR) trên phạm vi toàn cầu được TS. Dohee Hahn (Điều phối viên công nghệ SMR, IAEA) sẽ trình bày; Giáo sư, tiến sĩ Hiroyoshi Sakurai (RIKEN) sẽ giới thiệu về cơ sở hạ tầng cũng như những thiết bị tiên tiến tại Viện hóa lý RIKEN (Nhật Bản) đang được sử dụng để nghiên cứu vật lý hạt nhân các đồng vị không bền; Tiến sĩ Jeong Kong Lee (KAERI, Hàn Quốc) sẽ trình bày về tình trạng phát triển của lò nghiên cứu Ki-Lang tại Viện KAERI.
Tác động kinh tế, xã hội của chương trình hợp tác vùng (RCA) và những ý tưởng đổi mới ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương cũng sẽ được các diễn giả, nhà khoa học trao đổi tại Hội thảo IAEA trong khuôn khổ hội nghị, như trao đổi về các sáng kiến mang tính chiến lược của IAEA trong bối cảnh lợi ích kinh tế và xã hội của chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA,…
Hội nghị sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 9-11/8, bao gồm một ngày báo cáo tại Phiên toàn thể và hơn một ngày dành cho 7 Tiểu ban chuyên môn sẽ cùng báo cáo song song.