Phòng nghiên cứu khoa học tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt |
Ứng dụng đa dạng
Việc hoàn thành công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vào tháng 3/1984 được coi là bước phát triển nhảy vọt trong lĩnh vực này. Ngày nay, kỹ thuật hạt nhân đã được ứng dụng có hiệu quả vào nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống, phục vụ nhu cầu ngành y tế, nông nghiệp, công nghiệp…
Chẳng hạn, việc áp dụng kỹ thuật và công nghệ hạt nhân đã giúp các nhà khoa học Việt Nam tạo ra hơn 10 giống lúa đột biến bằng chiếu xạ, có năng suất, phẩm chất cao, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất lợi của môi trường. Các giống lúa này đã được đưa vào sản xuất đại trà với diện tích chiếm khoảng 11% trong tổng diện tích các giống cải tiến được trông hiện nay.
Trong y tế, đã ứng dụng kỹ thuật gia tốc trong chữa trị y học, phương pháp chiếu xạ LDR - HDR để chữa trị bệnh ung thư cổ tử cung, tăng cường ứng dụng máy PET tại các cơ sở y tế… Đặc biệt, gần đây, các nhà khoa học Việt Nam đã sản xuất thành công thuốc phóng xạ 99mTc - kháng thể dùng trong chụp hình miễn dịch phóng xạ chẩn đoán bệnh viêm tủy xương và các loại thuốc phóng xạ dùng để giảm đau di căn ung thư xương…
Trong công nghiệp, đã sử dụng các nguồn phóng xạ và các thiết bị hạt nhân để xây dựng các hệ đo mức chất lỏng của các bể đựng phối liệu của các nhà máy xi măng, đo độ ẩm và mật độ giấy trong các nhà máy giấy, đo độ dày sản phẩm của các nhà máy sản xuất vật liệu sắt thép, các hệ đo phóng xạ trong các giếng khoan của công nghiệp dầu khí...
Tiếp tục triển khai rộng
Theo Quyết định 957/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 sẽ đưa ứng dụng năng lượng nguyên tử trở thành lĩnh vực có đóng góp ngày càng tăng và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường. Trong đó, đặt ra mục tiêu ứng dụng rộng rãi, an toàn, hiệu quả khoa học kỹ thuật hạt nhân trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong năm 2014 đã có 150 công trình khoa học trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Điều này cho thấy, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đang được đẩy mạnh. |
Năm 2015, lĩnh vực năng lượng nguyên tử sẽ tập trung ưu tiên một số nhiệm vụ như: ứng dụng đồng vị phóng xạ trong điều trị chữa bệnh; chiếu xạ, bảo quản, hỗ trợ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng trang thiết bị hỗ trợ tạo giống nông nghiệp; tăng cường, khuyến khích áp dụng kỹ thuật hạt nhân, công cụ mô phỏng tính toán, dự báo vào trong các ngành công nghiệp. Tiếp tục triển khai dự án hợp tác với Liên bang Nga xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân. Trung tâm này là nơi thực hiện sản xuất và cung cấp đồng vị phóng xạ, dược chất cho y tế, chế tạo vật liệu bán dẫn cho ngành công nghiệp điện tử, triển khai các dịch vụ và chuyển giao công nghệ về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Để thực hiện hiệu quả hơn việc ứng dụng các công nghệ hạt nhân, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc tập trung xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên môn có đủ trình độ và năng lực, nhà nước cần có sự đầu tư thích đáng về trang thiết bị và điều kiện nghiên cứu, triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
TIN LIÊN QUAN | |
Bưởi không hạt nhờ ứng dụng công nghệ hạt nhân | |
Nga xây trung tâm công nghệ hạt nhân tại Việt Nam |