Bình Dương: Tạm giữ 4 lô hàng nhập ngoại không có hoá đơn tại ga Sóng Thần Xuất nhập khẩu nhộn nhịp những ngày đầu Xuân 2024 Quảng Ninh: 925 tấn hàng xuất khẩu qua Lối mở Cầu phao Móng Cái |
Ngày 21/2, tại ga Sóng Thần, TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức "Lễ khởi hành chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên năm Giáp Thìn 2024" vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu từ Sóng Thần đến Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).
Chuyến tàu gồm 21 toa xe, trong đó có 9 container lạnh chở hoa quả và thực phẩm. Thời gian từ Sóng Thần đến Trịnh Châu dự kiến từ 9-10 ngày. Theo kế hoạch, những chuyến tàu tiếp theo sẽ chạy 1 chuyến/tuần.
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết, đây là chuyến hàng đầu tiên năm Giáp Thìn 2024 được khởi hành từ ga Sóng Thần đi Trịnh Châu (Hà Nam, Trung Quốc) được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kết nối, hoàn thiện hệ thống logistics để thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Việc lựa chọn Bình Dương để tổ chức lễ khởi hành chuyến tàu liên vận quốc tế chở hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc có nhiều ý nghĩa do Bình Dương là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực.
Chuyến tàu vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu từ Sóng Thần, Bình Dương đến Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc chiruf 21/2/2024. Ảnh: T.D |
Tại Việt Nam, chi phí logistics trong ngành nông sản chiếm đến 20 - 25% giá thành sản phẩm, trong khi các nước chỉ chiếm khoảng 12 - 14%. Tuyến đường sắt chở hàng từ Bình Dương đi Trung Quốc giúp doanh nghiệp giảm một nửa chi phí so với trước đây, từ đó thêm cơ hội cạnh tranh về giá thành.
Cũng theo ông Khánh, vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có nhiều chuyển biến, sản lượng liên tục tăng. Nhiều doanh nghiệp chọn đường sắt vận chuyển hàng bởi được rút ngắn thời gian so với chờ chuyển tải tại biên giới, nhất là khi xảy ra ùn ứ. Quá trình làm thủ tục xuất, nhập khẩu đối với tàu hàng cũng thuận tiện hơn.
Trước đó, vào tháng 9/2023, tỉnh Bình Dương đã tổ chức ra mắt Đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc. Theo đó, lô hàng xuất khẩu đầu tiên được Đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển là lô hàng tinh bột sắn, loại dùng làm thực phẩm với số lượng 499,7 tấn, được đóng trong 19 container 40”.
Lô hàng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu-Thương mại-dịch vụ Hùng Duy có địa chỉ tại thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh được Cục Hải quan tỉnh Bình Dương giải quyết thủ tục Hải quan xuất khẩu. Tờ khai được Hệ thống xử lý dữ liệu tự động (VNACCS-VSIS) phân luồng xanh (miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa và được thông quan tự động).
Bà Phan Thị Khánh Duyên - Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cho biết, việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua ga đường sắt sẽ đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, từ đó thúc đẩy sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa. "Một lợi ích khác mang lại trong tương lai là tạo điều kiện hình thành trung tâm logistics của tỉnh Bình Dương và cả vùng Nam bộ, kéo theo sự gia tăng cung ứng các dịch vụ kèm theo", bà Duyên chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, các nước trên thế giới đều chú trọng phát triển đường sắt phục vụ phát triển kinh tế với các lợi thế vận chuyển nhanh chóng, giá thành rẻ, dễ dàng kết nối để vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế. Đối với tỉnh, việc vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt qua ga Sóng Thần góp phần giải quyết tình trạng quá tải của vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, từ đó thúc đẩy sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn, nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa.
Sóng Thần là ga hàng hóa lớn nhất phía Nam. Hiện, nhà ga được Bộ Giao thông Vận tải triển khai nhiều dự án nâng cấp, cải tạo, dự kiến giai đoạn 2025-2030 sẽ nâng năng lực khai thác lên 3,5 triệu tấn mỗi năm. Trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm đến hoạt động liên vận quốc tế bằng đường sắt. Mới đây nhất ngày 6/2/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 13/CĐ-TTg về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản. Công điện giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan hỗ trợ khai thác tuyến vận tải container đường sắt liên vận quốc tế Việt - Trung để tăng lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản vận chuyển qua đường sắt nhằm giảm thiểu tình trạng ùn ứ, ách tắc đường bộ qua cửa khẩu biên giới. |