Chuyến thăm của Tổng bí thư lần này diễn ra trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh trên đà phục hồi sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch.
Đây là lần đầu tiên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến TP. Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ 2020-2025. Gần đây nhất, năm 2018, Tổng bí thư thăm thành phố nhân dịp Lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh SGGP |
Theo báo cáo tình hình kinh tế- xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022 của UBND TP. Hồ Chí Minh, 8 tháng qua, kinh tế thành phố tăng trưởng khá cả về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp.
Hoạt động xuất khẩu tăng mạnh với kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước trong 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 31,75 tỷ USD, tăng 9,02% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,31%).; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2022 ước tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 104% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 8 tháng đầu năm, IIP ước tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với ngành du lịch, tính chung trong 8 tháng đầu năm ước đạt tổng doanh thu 74.500 tỷ đồng, tăng 90,6% so với cùng kỳ năm 2021. Khách du lịch nội địa đến TP. Hồ Chí Minh ước đạt 16,7 triệu lượt, tăng 216% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến Thành phố ước đạt 1.382.783 lượt.
Về đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng đầu năm 2022, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút được khoảng 2,71 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ.
Một tín hiệu tích cực nữa, tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện hơn 311.900 tỉ đồng, đạt 80,69% dự toán năm, tăng hơn 21% so với cùng kỳ. An ninh quốc phòng được đảm bảo, tội phạm về trật tự xã hội trong tháng 8 giảm gần 6,8% so cùng kỳ.
Bên cạnh những điểm sáng, kinh tế - xã hội thành phố còn một số hạn chế, nhất là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn rất thấp. Qua rà soát sơ bộ theo số liệu giải ngân vốn đầu tư công của thành phố được Kho bạc Nhà nước thành phố tạm tính đến ngày 26/8, tổng số vốn đã giải ngân là hơn 9.035 tỷ đồng, tăng so với thời điểm cuối tháng 7 hơn 560 tỷ đồng nhưng chỉ đạt 23,8% tổng kế hoạch vốn giao (hơn 37.996 tỷ đồng).
Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, thành phố đã lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực và họp phiên đầu tiên hôm 20/9. Hiện, Ban tập trung triển khai Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, qua đó giúp cán bộ yên tâm làm tốt nhiệm vụ được giao.
Thành phố cũng đang trong quá trình tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2020 và lên kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo; đồng thời, soạn thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến, thành phố sẽ trình Bộ Chính trị và Quốc hội vào cuối năm nay.