TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 PGS.TS Ngô Trí Long: TP Hồ Chí Minh nên phát triển công nghiệp, thương mại theo hướng nào? |
Theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 8/2022 ước đạt 98.840 tỷ đồng, giảm 1,1% so với tháng trước. Nhìn chung, hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 8 ổn định, nối tiếp đà phục hồi từ đầu năm. Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 746.578 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 10,6%).
Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cửa khẩu cả nước 8 tháng qua ước đạt 31,7 tỷ USD, tăng hơn 9% so với cùng kỳ. 8 tháng năm 2022, có 29.224 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 346.887 tỷ đồng, tăng 33,4% về số lượng so với cùng kỳ.
TP Hồ Chí Minh |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) – đánh giá, sau một năm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP. Hồ Chí Minh, thời điểm này, hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội của TP. Hồ Chí Minh phục hồi rõ nét. Trong đó, khách du lịch quốc tế và nội địa tăng rất cao so với cùng kỳ.
Để thành phố tiếp tục là đầu tàu, trung tâm kinh tế thương mại, công nghiệp, dịch vụ… của cả nước, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, rất cần Trung ương có một Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020.
Bởi theo ông Trần Hoàng Ngân, năm 2002, Trung ương đã ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 18/11/2002 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2010.
Đến năm 2012 Trung ương ban hành Nghị quyết 16 về phương hướng phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020. Và đến thời điểm này (năm 2022) rất cần có một Nghị quyết mới về phương hướng phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Trong Nghị quyết mới này làm sao giúp cho TP. Hồ Chí Minh có thể phát huy được tiềm năng và lợi thế của mình. Bởi lẽ, TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng, là cửa ngõ giao lưu, hội nhập quốc tế. Mặt khác, TP. Hồ Chí Minh có sân bay, bến cảng, có hạ tầng và trong nhiều năm TP. Hồ Chí Minh đã từng đóng góp 1/4 GDP cả nước và 26-27% tổng thu ngân sách của cả nước.
Tuy nhiên, hiện, TP. Hồ Chí Minh cũng đang gặp những điểm nghẽn, trong đó, điểm nghẽn lớn nhất đó là vấn đề thể chế. Thể chế cho một đô thị đặc biệt - đông dân nhất cả nước – điều này cũng đặt ra thể chế này phải có những đặc thù riêng, không thể giống như các tỉnh thành khác được. Thể chế đó phải có sự tích hợp và phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Thành phố.
Thứ hai, nguồn lực để tái đầu tư. Để nuôi dưỡng nguồn thu thì cần có nguồn lực đủ lớn và trong thời gian để đầu tư hạ tầng. Hạ tầng kinh tế xã hội hiện nay của TP. Hồ Chí Minh xuống cấp trầm trọng dẫn đến các điểm nghẽn về giao thông đô thị, giao thông kết nối vùng. Ngoài ra, vấn đề về chất lượng cuộc sống của người dân cần giải quyết. Nhất là các vấn đề về môi trường, ngập nước, ô nhiễm. Bên cạnh đó, cần đầu tư nâng cao hệ thống y tế, giáo dục.
Hạ tầng hiện nay của TP. Hồ Chí Minh đang thiếu đồng bộ để Thành phố này có thể sánh vai với các cường quốc 5 châu đúng như tên gọi TP. Hồ Chí Minh – Thành phố mang tên Bác. Do đó, cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các dự án trọng điểm quan trọng, nhất là hạ tầng về kinh tế xã hội của Thành phố.
Thứ ba, trước đây Quốc hội có Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Nghị quyết này kéo dài 5 năm nhưng đã mất 2 năm dịch Covid-19 và 1 năm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai. Như vậy, việc thực thi còn chỉ vỏn vẹn 2 năm. Do đó, cần có Nghị quyết mới với các cơ chế chính sách đặc thù và đột phá để Thành phố có thể đi đầu trong đổi mới sáng tạo. Có thể thí điểm mô hình “sandbox”, mô hình thực nghiệm để phát triển kinh tế số, cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh theo chiến lược phát triển của Đại hội Đảng toàn quốc đã đề ra.
Ngoài ra, là các vấn đề về bộ máy, biên chế cho cán bộ viên chức, tổ chức chính quyền đô thị của Thành phố.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân |
"Với đô thị đặc biệt thì cần có cơ chế đặc biệt để TP. Hồ Chí Minh có thể đóng góp nhiều hơn cho cả nước chứ không chỉ lo cho người dân Thành phố", ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Một điểm nữa đó là phát triển TP. Hồ Chí Minh không chỉ là trách nhiệm của Đảng bộ, nhân dân Thành phố. Lâu nay, lãnh đạo Đảng, nhà nước cũng đều xác nhận đó là trách nhiệm chung của cả nước để TP. Hồ Chí Minh có thể sánh vai với các thành phố lớn trong khu vực châu Á và trên thế giới.
Riêng lĩnh công nghiệp, hiện nay TP. Hồ Chí Minh đang tái cấu trúc hệ thống các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố theo hướng ưu tiên phát triển công nghệ cao, công nghệ chế biến và giảm thâm dụng lao động. Đây là một căn cứ lâu dài, đồng thời là chiến lược tái cấu trúc các khu công nghiệp và khu chế xuất của Thành phố.
Còn về thương mại dịch vụ, hiện chiếm tổng số 62% trong tổng GRDP của Thành phố. Thành phố cũng định hướng phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thương mại điện tử, dịch vụ thông minh, hoạt động fintech,… Riêng về phát triển kinh tế số, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu trở thành đầu tàu kinh tế số của cả nước, chiếm tổng số từ 25-30% trong GRDP của Thành phố.
Để đạt được những mục tiêu trên, đưa ra những kiến nghị với Bộ Công Thương, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, đối với lĩnh vực công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh, Bộ cũng cần mạnh dạn có những sự phân cấp cho lãnh đạo Thành phố trong quyền hạn của mình, để từ đó có những hỗ trợ cho Thành phố phát triển thế mạnh công nghệ cao. Đồng thời có các chính sách để TP Hồ Chí Minh trở thành đầu tàu trong kinh tế số của cả nước, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Ngoài ra, để phát triển nền kinh tế tự chủ, Bộ cần định hướng cho việc phát triển công nghiệp nền tảng, trong đó, cần có chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp nền tảng như công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ,… Việc này cũng nằm trong quy hoạch sản xuất của ngành.