Shinhanbank và MoMo hợp tác triển khai dịch vụ kiều hối Hàn Quốc – Việt Nam Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu kinh tế văn hóa Hàn – Việt |
Trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023 (VAW2023), ngày 8/5 tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức Hội thảo “Thương mại và Đầu tư giữa Hàn Quốc – Việt Nam: Tìm kiếm cơ hội trong nghịch cảnh”. Hội thảo có sự tham gia của gần 150 đại biểu đến từ các doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên có hoạt động hợp tác kinh doanh với đối tác Hàn Quốc, các doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, luật sư, Trọng tài viên/Hòa giải viên, giảng viên...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, nền kinh tế Việt Nam, Hàn Quốc và các doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc là những nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiên phong trong hội nhập và luôn có độ mở cao đang phải đối diện trực tiếp với những áp lực to lớn của một thế giới biến đổi khó lường. Các cuộc cách mạng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh bên cạnh những cơ hội cũng đặt trước các nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp nhất là những nước đang phát triển những áp lực vô cùng lớn, cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu tại Hội thảo |
Theo Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 7,8 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ. Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu tới 16,7 tỷ USD từ Hàn Quốc, giảm 25,7% so với cùng kỳ, nhưng Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu thứ 2 của Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hàn Quốc dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 16,1%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 24,4%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 28,2%).
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), tổng quy mô đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trong quý 1/2023 chỉ đạt 474 triệu USD, tương đương 70,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án cũng giảm 9,1% so với cùng kỳ xuống còn 344 dự án, đưa Hàn Quốc, nhà đầu tư số một tại Việt Nam, xuống vị trí thứ tư - mức thấp nhất kể từ năm 2008. Hiện nay, có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam và thương mại giữa hai nước năm ngoái đã tăng 175 lần trong 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992.
Theo KOCHAM, dù bối cảnh khó khăn nhưng sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử, Công ty Điện tử Samsung – doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam – cũng đã đầu tư thêm 20 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu R&D quy mô lớn nhất Đông Nam Á từ cuối năm 2022. Các công ty khác như Điện tử LG, LG Display, LG Innotek hiện đang mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.
Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc có quy mô nhập khẩu 731 tỷ USD/năm nên còn nhiều dự địa cho doanh nghiệp Việt Nam triển khai. Nhưng theo các chuyên gia, khó khăn với các doanh nghiệp không chỉ ở thuế quan mà ở khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu ngày càng cao cả về chất lượng và tính bền vững đối với môi trường mà phía Hàn Quốc nêu ra.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc phải tiếp tục đa dạng, đa phương hóa các quan hệ đối tác, bạn hàng để phân tán rủi ro, việc tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược, các bạn bè thân thiết có ý nghĩa như những “bến đỗ an toàn” cho sự nghiệp kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp phải chú ý đến vấn đề pháp lý, hợp đồng để bảo vệ, phòng tránh rủi ro bền vững. VIAC, KOCHAM và KCAB với mạng lưới rộng lớn là các luật sư, các chuyên gia, các nhà kinh tế, các trọng tài viên am hiểu pháp luật và chuyên môn trong việc xử lý tranh chấp và tư vấn pháp luật sẽ là “điểm tựa” cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc trong quan hệ đầu tư, thương mại.
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VIAC và KOCHAM nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước phòng ngừa rủi ro pháp lý trong thương mại, đầu tư |
Cùng với các phiên thảo luận chuyên đề, Hội thảo đã chứng kiến lẽ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM). Thỏa thuận hợp tác này được đặt ra trong bối cảnh hai bên cùng chung mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư phòng ngừa và khắc phục các rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, thông qua các cơ chế hợp pháp và hiệu quả, góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư bền vững giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2023 (VAW2023) được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Câu lạc bộ luật sư Thương mại Quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 8/5/2023 đến hết ngày 12/05/2023 với gần 20 sự kiện hướng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau. |