Sáng ngày 14/9/2022, tại Hải Phòng, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW”.
Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng |
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, và Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cùng đại diện Lãnh đạo các ban, bộ, ngành; đại diện Thường trực các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng tham dự hội nghị.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, và Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị |
Phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, phát triển vùng là một chủ trương lớn của Đảng. Nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị chỉ đạo tiến hành tổng kết các Nghị quyết của cả 6 vùng kinh tế đã được ban hành cách đây gần 20 năm và sẽ ban hành các Nghị quyết mới nhằm định hướng cho phát triển các vùng đến 2030, định hướng đến 2045. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì phối hợp các Bộ ngành và các địa phương triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW để báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 10/2022.
Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong 06 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, gồm 11 tỉnh, thành phố, trong đó có 02 thành phố trực thuộc Trung ương. Vùng có diện tích tự nhiên là 21.253 km2, chiếm 6,42% diện tích của cả nước; dân số 22,92 triệu người, chiếm 23,5% dân số cả nước. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, trong quá trình tổng kết, Ban Kinh tế Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành Kế hoạch triển khai, đề nghị 20 Bộ ngành và 11 địa phương trong vùng tiến hành tổng kết theo Đề cương của Ban Chỉ đạo; đặt hàng nghiên cứu chuyên sâu các Viện, Trường đại học, Trung tâm nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học và tổ chức khảo sát thực tế tại một số địa phương trong vùng.
Mặc dù thời gian rất gấp nhưng các Bộ ngành và các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng đã khẩn trương tổ chức tổng kết thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW theo Kế hoạch đề ra và hoàn thành Báo cáo tổng kết của địa phương, đơn vị mình gửi về Ban Chỉ đạo. Trên cơ sở các Báo cáo tổng kết của 20 ban cán sự đảng các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và Báo cáo tổng kết của 11 địa phương vùng đồng bằng sông Hồng; kết quả Hội thảo, khảo sát thực tế và ý kiến của các Viện, Trung tâm nghiên cứu, các Trường Đại học; Thường trực Tổ Biên tập đã tiến hành chắt lọc, tổng hợp, xây dựng Dự thảo Báo cáo tổng kết và đã gửi xin ý kiến các Bộ ngành và các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Hội nghị cần đề xuất, kiến nghị thêm về nhiệm vụ, giải pháp đột phá cho vùng đồng bằng sông Hồng |
Trên cơ sở Dự thảo Báo cáo đã nhận được, hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến trực tiếp về một số vấn đề như: Thứ nhất, đánh giá, cho ý kiến trực tiếp về nội dung của dự thảo Báo cáo, nhất là về thành tựu đạt được, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm sau 17 năm thực hiện của toàn vùng và từng địa phương. Thứ hai, cho ý kiến về bối cảnh tình hình sắp tới, tình hình quốc tế và khu vực, các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống tác động đến nước ta nói chung và toàn vùng nói riêng để có cái nhìn toàn diện, đầy đủ từ đó đưa ra các chủ trương, giải pháp phù hợp, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng vùng.
Thứ ba, tham gia ý kiến về quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà dự thảo Dự thảo Báo cáo đã nêu, trên cơ sở chủ trương, định hướng phát triển vùng và các ngành, lĩnh vực tại Nghị quyết Đại hội XIII, các Nghị quyết chuyên đề khác của Trung ương, các Nghị quyết đại hội của các tỉnh, thành phố toàn vùng và bối cảnh tình hình mới.
Đặc biệt, đề xuất, kiến nghị thêm về nhiệm vụ, giải pháp đột phá cho vùng. Đánh giá sâu và nhiều chiều về các tiềm năng, lợi thế, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ phát triển của vùng, các địa phương, đặc biệt là vị trí, vai trò của vùng đồng bằng sông Hồng với cả nước để đề xuất bổ sung, điều chỉnh quan điểm phát triển và nhiệm vụ cho từng ngành, lĩnh vực phù hợp. Phát hiện các vấn đề có ý nghĩa và tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế vùng, địa phương chưa được đề cập hoặc cần làm sâu sắc hơn tại Dự thảo Báo cáo nhất là các tác động của cách mạng khoa học- công nghệ, các xu thế kinh tế mới và hội nhập kinh tế sâu rộng của vùng và cả nước.