Thủ tướng chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 |
Thủ tướng Chính phủ: Không chịu bó tay, khuất phục trước khó khăn để giữ vững ổn định kinh tế |
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ chủ trì một hội nghị lớn dành riêng cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện sự quan tâm, trân trọng và tin tưởng của người đứng đầu Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn đã đầu tư tại Việt Nam và hàng trăm các tập đoàn lớn trên thế giới tham dự trực tuyến cho thấy sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đối với Việt Nam.
Tại Hội nghị,Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam nhất quán và khẳng định quan điểm coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.
Thời gian qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn sự đồng hành và đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, chia sẻ với những nhà đầu tư gặp khó khăn do tình hình trong nước và thế giới. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chân thành lắng nghe, chia sẻ và nỗ lực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài.
"Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam, góp phần đề cao của chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, chung tay, chúng sức đồng lòng, vì một Trái đất yên bình và xanh, vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, không để ai lại phía sau"- Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, nêu trực tiếp vấn đề trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, cởi mở với quan điểm “khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”; trong đó tập trung vào đánh giá, nhận định về bối cảnh, xu hướng trên thế giới và các tác động đến kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam.
Báo cáo tại Hội nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đã và đang tìm kiếm các địa điểm đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Theo đó, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn, với những lợi thế kinh tế chính trị xã hội ổn định, nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao, nguồn nhân lực dồi dào, cơ cấu lao động trẻ và có chi phí cạnh tranh. nhiều biện pháp hoàn thiện thể chế đã và đang tiếp tục được triển khai.
Cùng đó cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư, tiếp tục hoàn thiện, vị trí địa lý chiến lược, trung tâm trong khu vực, chỉ từ 3-5 giờ bay có thể kết nối với các nền kinh tế năng động trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,….
Đặc biệt là sự quan tâm, đồng hành và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn kết quả khảo sát nhanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9/2022, cho thấy những thông tin tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Théo đó có trên 90% doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao. Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài; trong đó khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023.
76% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ (như về miễn, giảm thuế, phí, bình ổn giá, giấy phép lao động, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách hỗ trợ người lao động, hỗ trợ tiêm vaccine Covid…) ở mức trung bình và cao)
“Trong đó chính sách về bình ổn giá xăng dầu là một trong những chính sách được đánh giá có hiệu quả cao nhất”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam sẽ đưa ra các đánh giá về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới và đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; phát biểu của doanh nghiệp về nhận diện thách thức, tận dụng cơ hội để đầu tư, mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực tại Việt Nam.
Các địa phương cũng sẽ có tham luận về thực thi chính sách và chuẩn bị điều kiện để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành sẽ phát biểu phản hồi, tiếp thu chính sách.