Tham dự hội nghị có trên 100 đại biểu, đại diện một số Bộ, ngành trung ương, đại diện lãnh đạo địa phương, các Sở Công Thương có chung đường biên giới với các nước bạn Lào, Campuchia, Trung Quốc, các vùng núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn... trên cả nước.
Ông Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi |
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hội - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi (Bộ Công Thương) cho biết, cả nước có 3/4 diện tích là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo..., 25/63 tỉnh thành có biên giới giáp với 3 nước Lào, Campuchia và Trung Quốc, dài khoảng 4.653km. Khu vực này luôn được nhà nước quan tâm với nhiều chính sách đặc biệt nhằm giúp phát triển kinh tế, xây dựng an ninh quốc phòng, bảo đảm đời sống cho người dân. Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc đưa chính sách vào cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn, một số văn bản, quyết định không còn phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng phát triển của xã hội, người dân và doanh nghiệp ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo (gọi tắt là vùng đặc biệt khó khăn). Cơ sở hạ tầng thương mại chưa tốt, giao thông còn khó khăn, doanh nghiệp thì manh mún nhỏ lẻ... khiến kinh tế xã hội khu vực chậm phát triển, trong khi đây lại là những vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, đồng cỏ tự nhiên...
Bà Bế Thị Hồng Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc |
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu, các chuyên gia cho rằng, cần phải thay đổi, bổ sung một số chính sách; các địa phương cần nâng cao trách nhiệm, có những chính sách hỗ trợ đối với đồng bào vùng đặc biệt khó khăn.
Nhiều đề xuất cụ thể đã được đề cập tới tại hội nghị như: Xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đặc thù về phát triển thương mại (như phát triển cơ sở hạ tầng, vay vốn, ưu đãi về thuế, các chính sách xuất nhập khẩu...); phát triển thương mại biên giới (bổ sung, sửa đổi một số chính sách cho phù hợp, phân cấp cho UBND các tỉnh biên giới...); tích cực phát triển thương nhân, DN, tổ chức hoạt động thương mại tại vùng đặc biệt khó khăn; tập trung phát triển mặt hàng có thế mạnh; quan tâm phát triển hệ thống dịch vụ thương mại (chợ, cửa hàng, siêu thị nhỏ, hệ thống kho hàng bến bãi, dịch vụ giao nhận hàng hóa, dịch vụ thanh toán...); phát triển hoạt động đối với chợ miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hải đảo và đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ về phát triển vùng đặc biệt khó khăn này.