Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 7 sẽ nỗ lực giải quyết những khác biệt để đạt mục tiêu vào tháng 11
Đây là hội nghị chính thức lần thứ 7 của các Bộ trưởng RCEP sau 8 phiên họp giữa kỳ mà phiên gần nhất vừa được diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc đầu tháng 8.
Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo RCEP sẽ tuyên bố hoàn tất hiệp định vào tháng 11 năm nay. Do đó, để đạt được mục tiêu này, Bộ Thương mại Thái Lan - nước chủ nhà Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần này - cho biết, các Bộ trưởng sẽ cố gắng hết sức để giải quyết những khác biệt. Hiện các đối tác đối thoại đã hoàn thành 70% các cuộc đàm phán, kết thúc 7 trong số 20 chương của hiệp định. Các nước đang đàm phán 13 chương còn lại về đầu tư nước ngoài, thương mại điện tử và sở hữu trí tuệ, và nhằm mục đích kết thúc các cuộc đàm phán trong năm nay, để hiệp định dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2020.
Ngay trước khi diễn ra phiên họp chính thức cấp Bộ trưởng RCEP vào tháng 9, các quan chức kinh tế cấp cao RCEP đang có phiên đàm phán giữa kỳ từ ngày 19 - 26/8 tại Indonesia để thảo luận về các vấn đề gây tranh cãi. Nếu cần thiết, các Bộ trưởng RCEP sẽ tổ chức các cuộc họp giữa kỳ trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao của các lãnh đạo RCEP vào tháng 11. RCEP được khởi động từ tháng 11/2012, với mục tiêu hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand. Sau khi RCEP được hoàn thành, nhóm này sẽ tạo thành một khối giao dịch lớn, chiếm tới 1/3 GDP của thế giới.
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, trong số 13 nội dung kinh tế ưu tiên với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2019 của Thái Lan, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN dự kiến sẽ thông qua 4 vấn đề: kế hoạch hành động khung tích hợp kỹ thuật số ASEAN 2019-2025; hướng dẫn về lao động lành nghề / dịch vụ nghề nghiệp được xây dựng để ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tuyên bố của ASEAN về chuyển đổi công nghiệp sang công nghiệp 4.0; và một hướng dẫn về số hóa cho các doanh nghiệp siêu nhỏ ASEAN.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, dự kiến có hai thỏa thuận sẽ được ký kết là thỏa thuận công nhận lẫn nhau của ASEAN về phê duyệt loại sản phẩm ô tô và sửa đổi bổ sung Nghị định thư ASEAN về Cơ chế giải quyết tranh chấp nâng cao.