Khám phá nguồn gốc, ý nghĩa lễ hội Lim truyền thống nổi tiếng xứ Kinh Bắc Cần hiểu đúng về tiền "thướng" của người quan họ Bắc Ninh: Phương án phân luồng giao thông trong 2 ngày Lễ hội Lim |
Theo nhà nghiên cứu văn hóa quan họ, nghệ sỹ ưu tú Xuân Mùi - nguyên Phó Giám đốc Nhà hát dân ca quan họ tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Có lẽ chẳng có lễ hội nào đặc sắc và độc đáo như hội Lim bởi đến hội Lim là để nghe hát và tham gia hát quan họ, để các liền anh, liền chị được “giao duyên”.
NSƯT Xuân Mùi chia sẻ, hội Lim từ xa xưa vốn đã mang tầm quốc gia. Từ trăm năm trước hội Lim đã thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước, thời Pháp thuộc hội Lim đã đón du khách từ Sài gòn, Malaysia, Myanma, Thái Lan... "Hiện chúng tôi đang đề nghị UBND huyện Tiên Du, tỉnh Bắc ninh xây dựng hồ sơ trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội cấp Quốc gia"- NSƯT Xuân Mùi cho biết.
Hàng chục nghìn du khách đổ về hội Lim từ sáng ngày 12 tháng Giêng ( tức ngày 21/2/2024) |
Ngày xưa Bắc Ninh có hai hội lớn đó là hội Võ và hội Văn. Hội Võ là hội Phù đổng Thiên Vương (hội Gióng) nay do Hà Nội tổ chức và hội Văn chính là hội Lim.
Hội Lim mở giữa đồi Lim
Người nay cứ thích đi tìm người xưa!
Có gì đâu mấy hạt mưa
Áo tôi ướt hết sao chưa gặp người?
Đến hội Lim không phải xem rước hay các trò chơi bởi các hoạt động này lễ hội nào cũng có, cái làm nên độc đáo của hội Lim đó là hội Lim Quan họ. Người đến hội Lim xem hát nhưng cũng có thể tham gia hát quan họ, nếu thấy hay thì có thể “thướng” (thưởng) tiền cho người hát và người muốn hát cũng “thướng” tiền để được hát.
Du khách giao lưu hát quan họ cùng với các liền chị tại hội Lim năm 2024 |
Nói về câu chuyện “Quan họ ngửa nón” xin tiền, NSƯT Xuân Mùi là người nghiên cứu văn hóa quan họ và là thế hệ đầu tiên của Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh với hơn 55 năm gắn bó với loại hình văn hóa “truyền khẩu” này cho biết: Việc thưởng tiền không phải ai đó mới nghĩ ra mà cái này là mỹ tục đã có truyền thống từ lâu trong văn hóa dân gian của người Việt. Một người lao động nghệ thuật, một người thưởng tiền, điều đó cũng thể hiện tấm lòng của người yêu làn điệu dân ca quan họ.
Để quan họ có sức lan tỏa sâu rộng, vào mùa lễ hội, hầu như làng trên xóm dưới vùng Kinh Bắc đều tổ chức hát quan họ giao duyên. Đặc biệt khi hội Lim đến, hát quan họ trên thuyền rồng vẫn là địa điểm được du khách yêu thích nhất. Các liền anh, liền chị xúng xính váy áo. Liền anh đóng áo the, khăn xếp, liền chị áo mớ ba mớ bẩy chèo thuyền rồng hát tại hồ trong khu vực đình Lim. Trong lúc anh hai, chị hai ngả nón mời trầu có không ít khán giả vì mến mộ mà thưởng tiền.
Thướng tiền là cách người xem thưởng cho người hát và nó là mỹ tục đã có từ lâu đời |
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, vì một số “con sâu” mà “bỏ rầu nồi canh”, cũng như vì cách hiểu không đầy đủ nên dư luận “dậy sóng” chuyện hát quan họ sử dụng loa máy. Một bộ phận người yêu quan họ “cực đoan” đến mức gán ghép hình ảnh các liền anh, liền chị hát trên thuyền rồng bên ao làng, trước cửa chùa, hát bên mái đình ngửa nón quai thao mời trầu là “ngửa nón xin tiền”.
“Các bạn đi nghe hát cô đầu, chầu văn, hay chèo, tuồng… khi khán giả thấy hay đều thưởng tiền cho các nghệ sỹ chuyện đó hết sức bình thường, có khác chăng không gian hoạt động của hội Lim rộng lớn hơn không phải trong nhà như hát cô đầu, chầu văn, nhiều người tham gia hơn nên cũng nhiều người có cái nhìn chưa chính xác về “thướng” tiền”- NSƯT Xuân Mùi cho hay.
NSƯT Xuân Mùi khẳng định: Nói liền anh, liền chị “ngửa nón xin tiền” là hoàn toàn sai như đã đề cập ở trên.
Nghệ nhân Ngô Thị Liên chia sẻ về "tục" thướng tiền |
Nghệ nhân Ngô Thị Liên- Làng Diềm (Viêm Xá)- Thành phố Bắc Ninh cho biết: Chơi quan họ có 2 cách, là chơi và đi hát quan họ. Hát quan họ là đặt cọc mà hát giờ với nhau, còn chơi quan họ là chỉ hát, ai đưa tiền cho thì tùy thích, chứ không đặt vấn đề. Người xem hát thấy hay thướng tiền cũng là chuyện bình thường và có truyền thống từ xa xưa, khi các liền anh, liền chị hát trên thuyền, mọi người đưa tiền sẽ dễ rơi xuống nước, nên người quan họ thường đưa nón ra nhận chứ không phải là xin tiền.
Theo Ban Tổ chức lễ hội Lim, lễ hội năm 2024 được tổ chức trong 2 ngày 21 - 22/2/2024 (tức ngày 12 và 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão. Trong đó, trung tâm Lễ hội là núi Hồng Vân (núi Lim) thị trấn Lim.
Cụ thể, từ 8h00 ngày 12 tháng Giêng, tổ chức Lễ dâng hương tại chùa Hồng Ân, lăng Tướng công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim. Vào 22h ngày 12 tháng Giêng, màn bắn pháo hoa sẽ được tổ chức tại khu vực hồ điều hòa Vân Tương.
Tại lễ hội, ngoài phần lễ sẽ là phần hội, các hoạt động văn hóa văn nghệ, hát quan họ (12 lán trại quan họ), các trò chơi dân gian như: Tổ tôm điếm, thư pháp, hội thơ, đu tiên, vật truyền thống, bịt mắt bắt dê, đập niêu, múa rồng, múa lân, thi cờ người, bóng chuyền hơi… sẽ tạo thêm không khí thi đua sôi nổi trong Nhân dân, cổ vũ động viên Nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động, sản xuất, để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Hoạt động đảm bảo an ninh, trật tự tại hội Lim |
Ngoài ra, tại Lễ hội Lim năm nay còn có các khu dịch vụ trưng bày, giới thiệu và bán các đồ lưu niệm, như: Sách, tranh ảnh, thư pháp, băng đĩa hát quan họ, quần áo quan họ, nón quai thao, tranh dân gian Đông Hồ, tre, trúc, gốm sứ, sinh vật cảnh, các sản phẩm OCOP…
Lễ hội Lim xuân Giáp Thìn năm 2024 được tổ chức nhằm phát huy bản sắc, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và khơi dậy lòng tự hào của người con quê hương Kinh Bắc, đồng thời thể hiện lòng thành kính, biết ơn những danh nhân lịch sử văn hóa và những anh hùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Qua đó, lễ hội còn là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh và con người quê hương Bắc Ninh đến với du khách trong nước và quốc tế.
Ban Tổ chức cũng cho biết, để bảo đảm lễ hội được diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa quê hương. Ban Tổ chức đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lễ hội, chỉ đạo tổ chức các hoạt động của lễ hội với tinh thần vui tươi, thiết thực, bảo đảm tính trang nghiêm, an toàn và tiết kiệm; ngăn chặn, bài trừ sự xâm nhập của những sản phẩm văn hóa có nội dung xấu.