Bắc Ninh: Phương án phân luồng giao thông trong 2 ngày Lễ hội Lim Khám phá nguồn gốc, ý nghĩa lễ hội Lim truyền thống nổi tiếng xứ Kinh Bắc Đến hẹn lại về hội Lim |
Hội của giao duyên, của hẹn hò
Ba năm hai cái hội chùa,
Nào ai có lỡ bỏ bùa cho ai.
Già già, trẻ trẻ, gái trai,
Đua nhau ăn mặc, hán hài đi xem.
Hội Lim ai thấy chẳng thèm,
Tổ tôm, bài điếm, giò nem thiếu gì.
Đồn sắp có dệt cửi thi,
Cao lâu trăm thức thiếu gì thức ngon.
Đây là những câu ca dao cổ mà đến nay vẫn được người dân làng Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) cũng như nhiều du khách thập phương thuộc làu làu. Điều đó cho thấy, Hội Lim không chỉ là một trong những lễ hội đặc sắc của người Quan họ - Bắc Ninh mà còn là ngày hội của giao duyên, hội của hẹn hò của du khách muôn phương.
![]() |
Hát quan họ không thể thiếu trong dịp lễ Tết của người Kinh Bắc, đặc biệt tại hội Lim. Ảnh minh họa |
Đến hẹn lại lên, năm nay, Lễ hội vùng Lim tiếp tục diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/2 (tức ngày 12 và 13 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão. Trong đó, trung tâm lễ hội là núi Hồng Vân (núi Lim).
Ở phần lễ, trong ngày 9/2 (tức 12 tháng Giêng) sẽ diễn ra các hoạt động: Đón nhận bằng công nhận di tích cấp tỉnh đình làng Đình Cả; lễ dâng hương tại chùa Hồng Ân. Vào 21 giờ cùng ngày sẽ tổ chức bắn pháo hoa nghệ thuật tầm thấp.
Cùng với phần lễ, phần hội được diễn ra tại trung tâm đồi Lim, hồ điều hòa Vân Tương (thị trấn Lim) và một số khu vực lân cận với phong phú hoạt động trình diễn Dân ca Quan họ.
Đặc biệt, đến với hội Lim năm nay, cùng với việc thưởng thức quan họ được các liền anh liền chị thực hành diễn xướng tại 10 lán hát (6 lán tại đồi Lim và 4 lán ở các khu vực lân cận) do Ban Tổ chức chuẩn bị, du khách còn có dịp tham gia các hoạt động giao lưu, biểu diễn, trải nghiệm dân ca quan họ trong một không gian rộng hơn: Trên sân khấu, hát cửa đình, cửa chùa, hát quan họ dưới thuyền, hát quan họ trong nhà chứa.
Tại gia đình các nghệ nhân ở làng Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Đông (thị trấn Lim); làng Bái Uyên thuộc xã Liên Bão; làng Đình Cả, Lộ Bao thuộc xã Nội Duệ… cũng tổ chức hát canh.
Năm nay, Ban tổ chức cũng bố trí thêm một lán quan họ dành cho Câu lạc bộ măng non. Các em có độ tuổi từ 4 -15, đang sinh hoạt trong các câu lạc bộ của xã và được các nghệ nhân truyền dạy những câu hát, lề lối quan họ.
Lãnh đạo huyện Tiên Du cho biết, huyện phấn đấu mỗi năm tổ chức lễ hội vùng Lim sẽ tăng thêm các lán dành cho thế hệ măng non nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và lan tỏa tình yêu quan họ tới thế hệ trẻ.
Anh Nguyễn Thắng (quê Bắc Giang) tâm sự: “Bắc Ninh và Bắc Giang là cái nôi của các lễ hội dân gian đặc sắc nhưng sâu thẳm trong tâm hồn tôi luôn háo hức chờ đợi đến tháng Giêng để đi trẩy hội, mà nhất định phải về hội Lim. Hội Lim không phải là một lễ hội đơn thuần mà là sự tiếp nối lịch sử, đúc kết những tinh hoa của văn hóa Quan họ - Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại…”.
Còn với chị ở Phạm Bảo Hà (quê Hưng Yên): Mặc dù về hội Lim nhiều lần nhưng lần nào chị cũng thấy xốn xang như thể mình là người con xa quê trở về. Để rồi mỗi lần tan hội thì lại vấn vương câu ca “người ở đừng về”.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, nhà nghiên cứu văn hóa quan họ, nghệ sỹ ưu tú Xuân Mùi - Nguyên Phó Giám đốc Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh - cho rằng: Có lẽ chẳng lễ hội nào đặc sắc và độc đáo như hội Lim, bởi đến hội Lim là để nghe hát và tham gia hát quan họ, để các liền anh, liền chị được giao duyên.
Bảo đảm an toàn cho nhân dân và du khách
Năm nay, hội Lim mở hội rước, vào ngày 13 tháng Giêng (ngày chính hội), từ 7h30 phút tổ chức rước sắc, đón sắc giữa đình làng Đình Cả và đình làng Lộ Bao, xã Nội Duệ; tổ chức rước sắc tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống tại các đình, đền, chùa ở các làng thuộc xã Liên Bão, thị trấn Lim; lại vào ngày cuối tuần nên lượng khách trẩy hội rất đông.
![]() |
Mời trầu - Nét đẹp trong văn hóa của người quan họ. Ảnh minh họa |
Để bảo đảm lễ hội vùng Lim Xuân Ất Tỵ diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh, bà Nguyễn Thị Hào - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du, Trưởng Ban Chỉ đạo lễ hội vùng Lim Xuân Ất Tỵ - cho biết: Ban tổ chức huy động 300 công an và 100 người thuộc lực lượng quân sự và dân quân tự vệ; tổ chức ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; yêu cầu hàng quán, dịch vụ niêm yết giá cụ thể...
Ban tổ chức cũng giao các cơ quan liên quan quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm tại khu vực trông giữ xe theo sơ đồ; tổ chức phân luồng giao thông tránh để xảy ra ùn tắc giao thông và chủ động kiểm tra, kiểm soát các phương tiện giao thông vào, ra khu vực lễ hội. Mọi thông tin phản ánh của du khách hoặc trao đổi những vấn đề phát sinh tại lễ hội liên hệ qua số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ đạo là 0934345623.
Với 547 lễ hội gắn liền với các di tích lịch sử, hầu như ngày nào của ba tháng xuân vùng quê Bắc Ninh cũng có lễ hội, song hội Lim được coi là lễ hội tiêu biểu, hội đủ những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của người dân Bắc Ninh – Kinh Bắc, trở thành niềm tự hào của người Quan họ.
Nhiều tài liệu ghi lại rằng, lễ hội vùng Lim xưa là lễ hội tế thần, hát xướng của các làng xã, xã vào dịp Rằm tháng Tám. Người có công lớn trong việc cách tân lễ hội là tướng công Nguyễn Đình Diễn và Bồ đề ni - tục gọi là mụ Ả, đã chuyển từ lễ hội cầu phúc hàng Tổng vào Rằm tháng Tám sang hội chùa, hội chạ vào đầu xuân - 13 tháng Giêng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du Nguyễn Thị Hào: Lễ hội Lim được tổ chức hàng năm nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện; đồng thời hướng tới việc Lễ hội vùng Lim được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |