Đồng tình cao với đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia
Tại cuộc họp đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia diễn ra chiều 6/8, tại Hà Nội, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đều bày tỏ sự đồng tình cao với đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.
Cuộc họp thu hút đông đảo đại diện các Bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương |
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho biết, từ lâu, ngành hàng lúa gạo đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ ngành. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng lúa gạo vào khoảng 4 tỷ USD, dù không cao như một số ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp, song đây lại là ngành hàng giữ vị trí quan trọng vì liên quan mật thiết đến vấn đề an ninh lương thực quốc gia.
“Kết quả của ngành lúa gạo những năm qua đã quá thành công. Từ năm 2016, Chính phủ đã không phải giao các địa phương mua tạm trữ mà đã thành công trong sản xuất, xuất khẩu với thị trường ngày càng đa dạng hơn. Nhiều thời điểm, chúng ta không có gạo để bán. Xuất khẩu gạo cũng thay đổi với sản lượng giảm bớt song chất lượng ngày càng nâng cao” – ông Nguyễn Ngọc Nam chỉ rõ.
Ông Nguyễn Ngọc Nam phát biểu tại cuộc họp |
Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu gạo trên thị trường có nhiều thay đổi sau đại dịch Covid-19. Nhiều nước thay đổi chính sách nhập khẩu để lo cho an ninh lương thực quốc gia. Điều này sẽ tác động đến việc xuất khẩu gạo của nước ta. Do đó, Chủ tịch VFA cho rằng, việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia là cần thiết để phát triển sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững.
Song song với vấn đề xây dựng chính sách để sản xuất, xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Ngọc Nam cũng đề xuất Hội đồng lúa gạo quốc gia quan tâm đến việc nhập khẩu gạo.
Cũng bày tỏ sự đồng thuận với việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia, ông Nguyễn Tiến Cường - Trưởng Ban Kinh tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - cho biết, Hội Nông dân thống nhất cao các nội dung trong dự thảo thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.
Đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp cho ý kiến về việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia |
Dưới góc độ doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo, ông Trần Sơn Hà - Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) - đồng tình với ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam; thống nhất cao với Đề án thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia nhằm giải quyết những vấn đề vĩ mô liên ngành. Đồng thời, doanh nghiệp có ý kiến rằng, Hội đồng cần xem xét bổ sung cả vấn đề quản lý tiêu thụ lúa gạo trong nước.
Về phía các địa phương, ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, Đồng Tháp rất hoan nghênh ý tưởng của 2 Bộ trưởng và đặc biệt đánh giá cao việc hai Bộ trưởng cùng bàn bạc, lấy ý kiến về việc đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.
“Chúng tôi mong các Bộ trưởng xúc tiến việc thành lập hội đồng này sớm, nhanh hơn nữa để phát huy tốt hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn cho vùng miền, ngành hàng nhằm phát huy lợi thế, thế mạnh phát triển ngành hàng quan trọng của đất nước trong thời gian tới” – ông Phạm Thiện Nghĩa nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang - chia sẻ, An Giang là địa phương sản xuất nông nghiệp trọng điểm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích lúa gạo của địa phương vào khoảng 630.000 ha với sản lượng 4 triệu tấn. Tỉnh cũng đang tiến hành mở rộng diện tích lúa chất lượng cao với khoảng 152.000 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn xanh, phát thải thấp. Do đó, việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia được địa phương đánh giá là cần thiết, tạo sự phấn khởi và yên tâm cho bà con nông dân.
Cần chính sách liên kết chặt chẽ
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao đều đặt vấn đề về việc cần chính sách liên kết chặt chẽ giữa các thành viên của hội đồng. Theo đó, bà Phạm Thị Thanh – đại diện Bộ Ngoại giao - bày tỏ sự đồng tình đối với sự cần thiết với thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.
“Tuy nhiên, hiện nay, ta đang có rất nhiều hội đồng khác nhau, cho nên cần phân cấp trách nhiệm của các đơn vị trong hội đồng này như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất” - bà Phạm Thị Thanh chia sẻ.
TS. Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết, ngành hàng lúa gạo thời gian qua không chỉ đóng vai trò quan trọng vào ổn định kinh tế, xã hội mà còn giúp nâng tầm vị thế nông sản Việt Nam thông qua xuất khẩu. Do đó, cần có một thiết chế xử lý các vấn đề liên ngành, bao trùm. Thiết chế này có trách nhiệm: tư vấn, xử lý những vấn đề lớn của ngành hàng lúa gạo, đưa ra định hướng vì mục tiêu phát triển bền vững chung của cả ngành. Hội đồng lúa gạo quốc gia là thiết chế thích hợp.
Trong thiết chế này, Nhà nước không can thiệp sâu vào thị trường nhưng đảm bảo vai trò định hướng, điều tiết hoạt động, các hiệp hội ngành hàng, huy động hợp tác công tư để tạo thêm nguồn lực từ hợp tác quốc tế và nguồn lực xã hội hoá. Thiết chế có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành, đại diện của các doanh nghiệp, của các địa phương và phải có tiếng nói của người trồng lúa.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, hiện nay, có rất nhiều vấn đề cần đến Hội đồng lúa gạo quốc gia để tham mưu những chính sách, xử lý những vấn đề phát sinh của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
"Giả sử Ấn Độ mở cửa trở lại việc xuất khẩu gạo thì phản ứng chính sách của Việt Nam sẽ như thế nào? Chúng ta phải có động thái ngay. Với tư duy ngày nay thì không có một đơn ngành nào đủ sức giải quyết một vụ việc, mà phải là liên ngành. Hội đồng lúa gạo quốc gia như là đơn vị hoạch định, tham mưu những chính sách lớn, tham mưu giải quyết những vấn đề phát sinh, vấn đề ngoại giao, hình ảnh của ngành hàng lúa gạo cho Chính phủ, Thủ tướng để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững" – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Đồng ý kiến, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để hướng tới một ngành hàng lúa gạo đa giá trị, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, đa dạng nguồn cung, nâng cao giá trị cho người trồng lúa,... rất cần một Hội đồng lúa gạo quốc gia để có những quy chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, ngành hàng trong việc điều phối các hoạt động chung cho sản xuất kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo quốc gia. Sắp tới, hai Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện, sớm trình Chính phủ xem xét, thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.