Tuy nhiên, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát huy lợi thế, giảm thiểu các tác động bất lợi do ảnh hưởng bởi dịch bệnh đối với các sản phẩm chủ lực. Các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng vượt khó, áp dụng điều kiện sản xuất an toàn “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” để đảm bảo đơn hàng đã ký kết trước đó. Sở Công Thương luôn quan tâm hỗ trợ thiết thực cho hoạt động xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, như: Phối hợp kịp thời với bộ, ngành Trung ương để nắm bắt thông tin về các FTA mà Việt Nam đang tham gia, các thông tin tiêu chuẩn kỹ thuật quy định quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của các đối tác FTA; tiếp nhận thông tin về tình hình thị trường, áp dụng các rào cản kỹ thuật trong thương mại… Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm khai thác lợi ích, tính năng cao mà công nghệ thông tin mang lại, giúp doanh nghiệp kết nối được với các sàn giao dịch thương mại điện tử mạnh trên thế giới. Tăng cường đổi mới, phối hợp với Bộ Công Thương đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại bằng hình thức kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Bình Thuận và doanh nghiệp nước ngoài.
Trong năm 2021, Sở Công Thương đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tổ chức 7 hội nghị, hội thảo, diễn đàn thương mại trực tuyến với hơn 70 lượt doanh nghiệp tham dự (Hội thảo giao thương trực tuyến về thúc đẩy xuất khẩu trái cây tươi và các sản phẩm chế biến từ trái cây của Việt Nam sang hệ thống phân phối của Hàn Quốc; Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Bình Thuận với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021; Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam bộ và Tây Nguyên 2021; Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các thị trường xuất khẩu tiềm năng 2021; Hội thảo giao thương quốc tế trực tuyến kết nối 3 thị trường Việt Nam – Singapore – Trung Quốc thúc đẩy xuất khẩu trái cây Việt Nam; Hội thảo xúc tiến xuất khẩu thủy sản sang Australia; Hội thảo kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm sang thị trường châu Âu – châu Mỹ).
Thông qua đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của tỉnh có cơ hội tìm hiểu, kết nối cơ hội kinh doanh với các đầu mối thu mua, hệ thống phân phối, nhà nhập khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm lợi thế của tỉnh… Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 ước đạt 583 triệu USD, tăng 23,2% so với năm 2020, đạt 116,14% kế hoạch. Trong đó: nhóm hàng hải sản đạt 160,7 triệu USD (chiếm tỷ trọng 27,56%), đạt 97,1% kế hoạch, tăng 1,07% so với năm 2020. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: tôm đông lạnh tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Anh; cá đông lạnh tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Nhật Bản; mực, bạch tuộc đông lạnh xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Nhật Bản; mực khô xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Sản xuất tôm giống tại Công ty TNHH Thông Thuận – Tuy Phong |
Nhóm hàng nông sản đạt 16,9 triệu USD (chiếm tỷ trọng 2,9%), đạt 125,19% kế hoạch, tăng 29,12% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thanh long xuất khẩu chính ngạch thực hiện 7,6 triệu USD (tương đương 5.100 tấn), đạt 84% kế hoạch, giảm 9,1% về giá trị và 27,6% về lượng so với năm trước. Thị trường xuất khẩu chính là châu Á (Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Quatar, Ấn Độ, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất – UAE); các nước châu Âu (Đức, Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha); châu Mỹ (Canada, Mỹ), châu Đại Dương (Úc, New Zealand). Cao su ước thực hiện 800.000 USD (tương đương 390 tấn), đạt 123,08% kế hoạch, tăng 65,98% về giá trị và 17,8% về lượng so với năm trước. Thị trường xuất khẩu là Đài Loan.
Nhóm hàng hóa khác đạt 405,4 triệu USD (chiếm tỷ trọng 69,54%), đạt 125,51% kế hoạch, tăng 34,63% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng may mặc 203,5 triệu USD, đạt 98,31% kế hoạch, tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước, thị trường xuất khẩu là Nhật Bản và Đài Loan; giày dép 65,6 triệu USD, đạt 122,62%, tăng 30,35% so với cùng kỳ năm trước, thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Hà Lan, Ý, Canada...
Xưởng gia công may tại Công ty cổ phần may Nhà Bè - Đức Linh |
Kim ngạch nhập khẩu năm 2021 ước đạt 935 triệu USD tăng 19,79% so với cùng kỳ năm 2020. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên, vật liệu phục vụ may mặc, da giày, chế biến thức ăn gia súc…
Trong thời gian tới, với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh; việc tham mưu, đề xuất kịp thời của các sở, ngành, địa phương giúp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và nhất là sự năng nổ vượt khó của các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh…, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá toàn tỉnh sẽ đạt kết quả khả quan hơn. Sở Công Thương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, củng cố và khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu truyền thống, ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đặc biệt chú trọng về hình thức xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trực tuyến trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn kéo dài, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, lợi thế của tỉnh. Nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ logistics, khai thác có hiệu quả dịch vụ logistics của Cảng quốc tế Vĩnh Tân. Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, quan tâm, chú trọng các mặt hàng có sản lượng lớn, vào vụ thu hoạch...