Với vị thế cơ quan kiểm tra tài chính do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đã kịp thời cung cấp thông tin và phát hiện các hành vi lãng phí, kém hiệu quả trong quá trình chấp hành dự toán ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Thông qua hoạt động kiểm toán đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công tại các cơ quan, đơn vị ở nhiều địa phương trong cả nước. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Kiểm toán nhà nước đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm; lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản...
Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, ý kiến của Kiểm toán nhà nước là thông tin quan trọng để Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hoà sử dụng trong quá trình thẩm tra, quyết định quyết toán ngân sách, dự toán và phân bổ ngân sách.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tại buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa ngày 7/3/2024 |
Trong thời gian qua, Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ban hành nhiều nghị quyết về tài chính công, tài sản công làm cơ sở để Ủy ban Nhân dân tỉnh và các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Qua đó, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phục hồi, phát triển với các chỉ tiêu tăng so với năm 2022. Cụ thể, GRDP năm 2023 tăng 10,35%; GRDP bình quân đầu người đạt 86,44 triệu đồng/người; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.750,1 triệu USD; thu ngân sách nhà nước đạt 18.012 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 71.302,8 tỷ đồng...
Theo ông Trần Mạnh Dũng, để đạt được những kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh còn có sự quan tâm, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương, trong đó có vai trò rất lớn của Kiểm toán nhà nước.
"Bằng những kết luận kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị các đơn vị được kiểm toán sửa chữa sai sót, vi phạm, chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, kế toán của đơn vị, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý những hành vi vi phạm chế độ tài chính kế toán, các hành vi tham nhũng, lãng phí; tư vấn việc sử dụng nguồn lực đảm bảo mục tiêu đề ra thông qua việc kiểm toán tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của việc quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước", ông Trần Mạnh Dũng nói, qua đó, giúp Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách đúng đối tượng, đúng mục đích, chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm; góp phần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tài chính công, tài sản công, góp phần vào sự phát hiển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước ký Quy chế phối hợp với Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các tỉnh các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên |
Năm 2014, Kiểm toán nhà nước và Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ký kết Quy chế phối hợp công tác. Trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước và Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa luôn được quan tâm chú trọng. Thông qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã đánh giá được các mặt đã làm được của địa phương trong công tác quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách của các cấp và đơn vị sử dụng ngân sách.
Hoạt động kiểm toán cũng đã chỉ ra những vấn đề tồn tại trong việc lập và phân bổ dự toán thu chi ngân sách, trong công tác điều hành ngân sách, công tác khóa sổ lập báo cáo quyết toán ngân sách. Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước đã đề xuất kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương.
"Những ý kiến đánh giá, kết luận và kiến nghị của Kiểm toán nhà nước góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành ngân sách của địa phương, là thông tin quan trọng để Hội đồng Nhân dân tỉnh sử dụng trong quá trình thẩm tra, quyết định thông qua quyết toán ngân sách, dự toán và phân bổ ngân sách năm sau. Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước đã đề xuất kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương", ông Trần Mạnh Dũng nhìn nhận.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, để hoạt động phối hợp của địa phương và Kiểm toán nhà nước đi vào thực chất và hiệu quả hơn, cần tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp thời gian qua; thống nhất nội dung phối hợp trong thời gian tới. Trong đó, cần phối hợp thực hiện tốt, đầy đủ việc gửi dự toán ngân sách địa phương; báo cáo, cung cấp quyết toán ngân sách địa phương, các Nghị quyết văn bản chỉ đạo, điều hành của chính quyền tỉnh cho Kiểm toán nhà nước... Qua đó, Kiểm toán nhà nước có ý kiến đánh giá và kết luận kiểm toán chính xác, phù hợp giúp cho Hội đồng Nhân dân tỉnh trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán ngân sách, phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương.
Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị, Kiểm toán nhà nước tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử và lãnh đạo các cấp chính quyền để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước... Tổ chức công khai kết quả kiểm toán, các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đến đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong sử dụng ngân sách, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh về lĩnh vực tài chính, ngân sách; trong công tác chỉ đạo, điều hành ngân sách của Ủy ban Nhân dân tỉnh; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành ngân sách trên địa bàn.