Tiếp cận gần hơn công nghệ hiện đại
Các đề án KCQG điểm đã tạo ra "làn gió mới" đối với việc thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tại nhiều địa phương trên cả nước. Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương - cho biết, từ việc triển khai thực hiện đề án KCQG điểm trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã giúp các cơ sở CNNT được tiếp cận, mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, máy móc, thiết bị tân tiến phù hợp với trình độ, tiếp cận gần hơn với chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường. Các đề án đã giúp cơ sở CNNT có cơ hội giao thương, trao đổi hàng hóa, kinh nghiệm quản lý, điều hành sản xuất và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm… Đặc biệt, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm và thu nhập cho người dân các vùng nông thôn, góp phần không nhỏ vào hoàn thành xây dựng nông thôn mới khu vực phía Bắc.
Đề án Khuyến công quốc gia điểm góp phần thúc đẩy phát triển cơ sở công nghiệp nông thôn |
Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các đề án KCQG điểm giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, tổng số cơ sở CNNT được hỗ trợ từ những đề án điểm trong gian đoạn vừa qua là 63 cơ sở. Trong đó, số cơ sở CNNT được hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật là 9 cơ sở. Số nội dung hoạt động khuyến công được triển khai ở 4 loại hình, bao gồm: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến; tổ chức hội nghị, hội thảo; đào tạo nâng cao tay nghề.
Từ thực tế thực hiện đề án KCQG điểm, đại diện Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng là 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên được chọn triển khai thực hiện đề án KCQG điểm "Hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng suất và chất lượng trong chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020". Theo đó, đề án đã hỗ trợ 44 cơ sở sản xuất CNNT và mang lại hiệu quả kinh tế lớn, tạo đà cho doanh nghiệp thực hiện cải tiến kỹ thuật, hiện đại hóa trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu sản xuất trong quá trình hội nhập quốc tế, góp phần làm cho ngành chế biến cà phê trên địa bàn có bước khởi sắc đáng kể. Nếu những năm trước, Lâm Đồng chỉ tập trung sản xuất sản phẩm cà phê nhân thì những năm gần đây với sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, các doanh nghiệp chú trọng tới phát triển cà phê bột, xây dựng thương hiệu, đầu tư bao bì mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng…
Phát huy vai trò "cầu nối"
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn tồn tại không ít khó khăn trong việc triển khai đề án KCQG điểm, hầu hết các địa phương đều cho rằng, một số doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình gặp khó khăn trong tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn của chương trình khuyến công.
Do đó, để chương trình thực sự là "cầu nối", thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và đem lại hiệu quả cao nhất cho các đề án KCQG điểm trong giai đoạn tới, ông Ngô Quang Trung cho biết, Cục Công Thương địa phương sẽ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp cải tiến công nghệ chế biến; xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào; phát huy hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại… Ngoài ra, các cơ sở CNNT cũng cần chủ động phản ánh tình hình đầu tư sản xuất, nhu cầu hỗ trợ thông qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 và Trung tâm Khuyến công các tỉnh, thành phố, để hoạt động khuyến công tiếp tục đồng hành, hỗ trợ có hiệu quả các cơ sở CNNT trong thời gian tiếp theo.
"Thời gian tới, Cục Công Thương địa phương sẽ tích cực phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để đề ra giải pháp thực hiện đề án KCQG điểm trong giai đoạn 2021 - 2025" - ông Ngô Quang Trung nhấn mạnh.
Trong 3 năm (2018 - 2020), Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 đã thực hiện 3 đề án KCQG điểm, với tổng kinh phí 181.946,9 triệu đồng, (tăng 63,74 % so với tổng kinh phí thực hiện những đề án đơn lẻ đối với các ngành dệt may, cơ khí, chế biến nông sản trong giai đoạn 2015 - 2017). |