Vì sao Bộ Xây dựng yêu cầu HUD nghiêm túc bàn giao hơn 3ha đất tại “điểm nóng” Hoàng Mai? Trường học ở Hà Nội được phép thu chi những khoản nào năm học mới? |
Ngày 6/9, báo cáo Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội, ông Võ Xuân Trọng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, những năm qua, lãnh đạo quận Hoàng Mai đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành của quận tập trung triển khai thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp; việc xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và việc cải tạo, xây dựng mới trường mầm non, trường phổ thông thông qua việc ban hành, cụ thể hóa các nghị quyết, kế hoạch, chương trình phát triển giáo dục gắn với kế hoạch phát triển văn hóa - xã hội của đơn vị...
Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội khảo sát thực tế tại hai ô đất quy hoạch xây dựng trường mầm non và Trường THCS Linh Đàm. |
Tuy nhiên, ông Trọng cho rằng, áp lực dân số tăng nhanh (năm 2004 có 18,7 vạn dân nhưng đến năm 2023 có trên 70 vạn dân), đã dẫn đến quá tải hệ thống giáo dục trên địa bàn quận.
“Trung bình mỗi năm tăng 4.000 học sinh, cơ sở vật chất của một số trường không đáp ứng kịp, lại thiếu quỹ đất để mở rộng trường học công lập, nên việc công nhận trường chuẩn quốc gia rất khó khăn. Hiện nay, mới có 41/59 trường công lập đạt chuẩn quốc gia”, ông Trọng nêu khó khăn.
Vẫn theo ông Trọng, do nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn quận tăng nhanh hằng năm, cơ sở vật chất của một số trường không thể đáp ứng kịp thời.
"Diện tích sân trường của nhiều trường còn nhỏ hẹp gây khó khăn cho công tác tổ chức các hoạt động tập thể (Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Giáp Bát, Hoàng Liệt, Mai Động; Trường THCS Giáp Bát). Số phòng học không tăng theo kịp so với yêu cầu dẫn đến số học sinh/lớp tăng cao, trẻ trong độ tuổi nhà trẻ vào trường mầm non công lập đạt tỷ lệ thấp, học sinh tiểu học phải học luân phiên vào thứ Bảy mới đảm bảo học 2 buổi/ngày", ông Trọng cho biết.
Đáng lưu ý, dù thiếu trường học, song theo ông Trọng, trên địa bàn quận có 19 khu đô thị có 68 ô đất quy hoạch trường học, nhưng số các ô quy hoạch trường học chưa được đầu tư xây dựng theo đúng tiến độ.
Trước những khó khăn trên, quận Hoàng Mai đề nghị TP Hà Nội xem xét điều chỉnh quy hoạch các ô đất xây dựng trường học phù hợp để công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi (một số địa điểm quy hoạch trường học vào nghĩa trang, khu dân cư …). Khi thành phố phê duyệt quy hoạch các dự án, các khu đô thị cần quy định tỷ lệ trường công lập để tránh khó khăn cho nhân dân trên địa bàn, mặt khác đề nghị thành phố cho phép nâng thêm tầng cao.
Cùng với đó, thành phố tiếp tục thu hồi đối với những ô quy hoạch trường học ở các khu đô thị đã giao chủ đầu tư nhưng chậm triển khai theo quy định của Luật Đất đai năm 2013; chỉ đạo quy hoạch các khu chung cư cao tầng đồng bộ với phát triển trường học đáp ứng nhu cầu người dân để tránh việc quá tải trường, lớp; chỉ đạo các chủ đầu tư các dự án khu đô thị đã triển khai tại quận thực hiện xây dựng trường học theo quy hoạch trong khu đô thị khi được phê duyệt dự án, các chủ đầu tư khi triển khai các dự án mới cần có cam kết xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng các trường học, đồng thời, khi xây dựng chung cư đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trong khu dự án, tránh gây quá tải, áp lực cho các trường công lập trên địa bàn.