Doanh nghiệp mòn mỏi chờ “được” hoàn thuế VAT
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Doanh nghiệp ngành dăm gỗ kêu cứu vì hoàn thuế VAT |
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng (hoàn thuế VAT) một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp (hoàn thành trước ngày 28/5/2023); thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiếp tục đề xuất các chính sách nếu thấy còn dư địa.
Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế tại các thị trường lớn, truyền thống; nhu cầu tiêu dùng chưa được phục hồi trong ngắn hạn; xuất khẩu nhiều ngành hàng đang tụt giảm nghiêm trọng, có những ngành hàng lên tới 50 - 60%,… dòng tiền đầu vào của các doanh nghiệp đang bị suy giảm nghiêm trọng, lại thêm ách tắc trong khâu hoàn thuế VAT làm cho các doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khốn đốn hơn.
Công điện số 470/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa được ban hành đã giải tỏa niềm mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp ngành cao su, nhựa, đồ gỗ, sắn… trong suốt nhiều tháng qua.
Bởi theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ước tính, lượng thuế VAT các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng trồng chưa được hoàn tính đến nay đã lên tới con số 2.000 tỷ đồng, với hàng trăm doanh nghiệp hiện chưa được hoàn thuế.
Khó khăn trong khâu hoàn thuế hiện đã dẫn đến thực trạng một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu; một số doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Nếu tình trạng khó khăn trong việc hoàn thuế VAT tiếp tục kéo dài trong tương lai, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa. Hệ lụy của điều này là chuỗi cung gỗ rừng trồng, bao gồm hàng triệu hộ gia đình trồng rừng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Còn theo Hiệp hội sắn Việt Nam, số thuế VAT của ngành sắn chưa được hoàn khoảng 1.000 tỷ đồng và có thể là cao hơn nữa trong thời gian tới nếu không được tháo gỡ chính sách liên quan đến hoàn thuế. Việc hoàn thuế VAT nếu không được tháo gỡ khiến ngành sắn nguy cơ thụt lùi, thị phần sẽ thuộc về đối thủ cạnh tranh.
Trước đó, ngày 25/5, trong Công văn Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra kiến nghị Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp tránh kéo dài như hiện nay.
Một số cơ chế đặc biệt cần được suy nghĩ tới, ví dụ “cho phép doanh nghiệp “ĐƯỢC” hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng” và kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho số đông các đoanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật.
Đừng để “trên nóng, dưới lạnh”
Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, tính đến cuối tháng 4, cơ quan thuế ban hành 5.015 quyết định hoàn thuế VAT với tổng số tiền thuế hoàn là 33.905 tỷ đồng, bằng 18,2% so với dự toán hoàn thuế VAT năm 2023 được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hàng loạt công ty ngành cao su, nhựa, đồ gỗ, sắn… phản ánh việc gặp khó khăn về dòng vốn vì chưa được hoàn thuế VAT lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Theo quy định hiện hành, cơ quan thuế sau khi nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp phải giải quyết trong vòng 6 ngày làm việc nếu thuộc trường hợp hoàn trước, kiểm sau; không quá 40 ngày đối với trường hợp kiểm trước, hoàn sau.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay, việc hoàn thuế thời gian qua được thực hiện bình thường. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có một số vướng mắc doanh nghiệp nêu liên quan đến hoàn thuế VAT đối với hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu dăm gỗ nói riêng.
Theo đó, trong hoàn thuế hoạt động xuất khẩu, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp vi phạm trong vấn đề sử dụng hóa đơn đầu vào bất hợp pháp, nhằm hợp thức hoá hồ sơ hoàn thuế với giá trị rất lớn. Trong quy định về hoàn thuế, cơ quan thuế sẽ tiến hành hoàn trước, kiểm tra sau (hậu kiểm); tuy nhiên, trong trường hợp có rủi ro thì kiểm tra trước, hoàn sau (tiền kiểm).
Muốn phát triển đất nước thì phải có kinh tế. Kinh tế ách tắc thì phát triển đường nào? Các chuyên gia cho rằng, quản lý nhà nước hiện nay vẫn còn tư duy theo kiểu cái gì quản lý được thì quản lý, không quản lý được thì cấm, dừng và tắc ở điểm đó chứ không có sự tháo gỡ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Thang Văn Thông - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hào Hưng - cho rằng, doanh nghiệp đã nộp thuế thì phải được hoàn thuế VAT, nhưng doanh nghiệp nộp mà không được hoàn thì doanh nghiệp phải làm sao? Đương nhiên, nếu cơ quan quản lý làm không tốt thì có những doanh nghiệp không tốt nằm trong chuỗi này. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng như vậy?
Cần phân biệt rõ ai làm đúng và ai làm sai. Doanh nghiệp không làm đúng thì pháp luật quản lý, giám sát họ. Nếu các doanh nghiệp làm đúng thì cần tháo gỡ cho họ để họ kinh doanh tiếp. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách quản lý đúng, chặt để doanh nghiệp thực hiện. Có như vậy, mới phát triển được.
Các chuyên gia nhận định, ở thời điểm khó khăn, chính sách tác động nhanh nhất, trực diện nhất là tài chính, thuế khóa. Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu, vì sự phát triển của đất nước.
Hoạt động điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là rất quyết liệt, kịp thời, bám sát những khó khăn của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Vấn đề đặt ra ở đây là khâu triển khai chính sách, truyền thông chính sách và hiệu quả thực thi chưa tương xứng với quyết tâm và hành động của Chính phủ và Thủ tướng. Do đó, cần có cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới để nỗ lực của Chính phủ và hệ thống hành chính thực sự đem lại giá trị cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Cộng đồng doanh nghiệp ngành cao su, nhựa, đồ gỗ, sắn… cũng kỳ vọng việc hoàn thuế VAT sẽ không rơi vào tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.