Sửa đổi, bổ sung các luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Khoa học và Công nghệ chiều 24/1, ông Đỗ Thành Long - Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, về công tác hoàn thiện thể chế, trong năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như: Xây dựng luật/lập đề nghị xây dựng 4 Luật sửa đổi, bổ sung các luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ông Đỗ Thành Long - Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ |
Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, trình Chính phủ trong tháng 01/2024; trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XV (tháng 5/2024).
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nhằm mục đích: Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh; bảo đảm hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật phục vụ hiệu quả quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm an toàn, vệ sinh, môi trường, sức khỏe con người.
Đồng thời, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh; nội luật hóa các cam kết quốc tế, bảo đảm sự tương thích giữa quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, đặc biệt là các quy định liên quan đến minh bạch hóa, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thuận lợi hóa thương mại.
Thứ hai, hoàn thiện lập đề nghị xây dựng 3 luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) theo chỉ đạo của Chính phủ để đăng ký vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội Khóa XV.
"Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là tập trung hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ" - ông Đỗ Thành Long nói.
Theo ông Đỗ Thành Long, Luật Khoa học và Công nghệ đã được Quốc hội thông qua vào năm 2013. Qua 10 năm triển khai, Luật Khoa học và Công nghệ đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất và đồng bộ cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai trong thực tiễn, cũng đã xuất hiện các khó khăn, vướng mắc từ các quy định của Luật cần phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn. "Chính vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ được xây dựng với mục đích hoàn thiện thể chế để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" - ông Long nhấn mạnh.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, thanh quyết toán
Ông Đỗ Thành Long cho hay, việc có một cơ chế đầu tư và tài chính thông thoáng, thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ là một trong những mong mỏi lớn nhất của cộng đồng các nhà quản lý, các nhà khoa học.
Việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, thanh quyết toán; khuyến khích doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để khơi thông nguồn lực tài chính ngoài nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ trong giai đoạn tới.
Bên cạnh các dự án xây dựng Luật, Bộ cũng có kế hoạch xây dựng, trình Chính phủ 5 Nghị định, trong đó có một số Nghị định rất quan trọng cần được ban hành để tháo gỡ các vướng mắc trong khi chờ Luật Khoa học và Công nghệ được sửa đổi, bổ sung như: Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, trình Chính phủ tháng 6/2024.
Các hoạt động về khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển |
Hai là, Nghị định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, trình Chính phủ tháng 11/2024. Hiện nay, việc tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Nghị định 60 quy định về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng việc quy định về tự chủ đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập cần toàn diện hơn (về thực hiện nhiệm vụ, về tổ chức bộ máy và nhân sự, về hợp tác quốc tế, về tài chính...) thay vì chỉ giới hạn trong phạm vi tự chủ về tài chính và cần xét đến các yếu tố đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Chính vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ xây dựng Nghị định quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập để tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, năng động, sáng tạo của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thủ trưởng các tổ chức này.
Ba là, Nghị định về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Trong thời gian qua, các hoạt động về khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển và đạt được một nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Là cơ quan quản lý nhà nước về các hoạt động này, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thấy cần có một khuôn khổ pháp lý để tạo sự thống nhất và đồng bộ trong cơ chế, chính sách có liên quan đến đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trong khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ chưa được ban hành, nên đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
Bốn là, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, trình Chính phủ tháng 12/2024.
Năm là, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 9/11/2018 của Chính phủ.
Đẩy mạnh triển khai 44 Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ cũng sẽ tập trung triển khai các Chiến lược đã được ban hành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, như Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030.
Để thực hiện các Chiến lược này, trong 2 năm vừa qua, Bộ đã tập trung cho nhiệm vụ tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai các chương trình trong giai đoạn mới.
Đến nay, các công việc này cơ bản đã hoàn thành với 44 Chương trình, khoa học và công nghệ cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030 đã được phê duyệt (22 Chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và 22 Chương trình do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt), cân đối cho cả ba lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Về hành lang pháp lý, trong năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã rà soát, ban hành 4 Thông tư nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quy trình, thủ tục quản lý và triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong bối cảnh vẫn cần tuân thủ hệ thống pháp luật chung về đầu tư, tài chính, tài sản công và cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Sau khi hoàn thành công tác tái cơ cấu và xây dựng hành lang pháp lý cho các chương trình trong năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đẩy mạnh triển khai 44 Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia trong năm 2024.