Hoạt động văn hóa, văn nghệ được phát động rộng khắp ở các cấp, các ngành, đoàn thể… đáp ứng nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng của mỗi người dân.
Hiện nay, trên địa bàn (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình), các loại hình trình diễn dân gian ngày càng được quan tâm bảo tồn và phát huy như: Trình tấu Chiêng Mường; dân ca và các làn điệu múa dân tộc Mường, Dao…
Nét đặc sắc trong văn hóa ở tỉnh Hòa Bình được lưu giữ và phát triển trở thành "món ăn tinh thần" với nhiều người dân. Ảnh: CTTĐTHB |
Bên cạnh đó, các hoạt động tín ngưỡng tại các lễ hội: Chùa Bôi, đình Nè, chùa Sim…. huyện Kim Bôi được tổ chức mang lại không khí phấn khởi cho người dân. Lễ hội đã thu hút hàng nghìn diễn viên quần chúng tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, rước kiệu, trình diễn chiêng Mường,...
Hiện nay trên địa bàn huyện có 158 đội văn nghệ xóm, khu dân cư; 01 nhà văn hoá huyện; 13/17 nhà văn hóa xã; 149/158 nhà văn hóa xóm, bản và 17 câu lạc bộ về: Chiêng Mường, Bảo tồn Văn hóa Mường, dân ca Mường, Mo Mường thường xuyên hoạt động và hiệu quả cao.
Thành viên của các đội văn nghệ, câu lạc bộ tham gia các lớp tập huấn ở huyện, ở tỉnh. Đội văn nghệ và câu lạc bộ trên địa bàn huyện là nơi nuôi dưỡng và phát triển các tiềm năng về văn hóa, văn nghệ quần chúng, đặc biệt là văn nghệ dân gian được truyền dạy và phát triển cho thế hệ trẻ.
Tiêu biểu như Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Mường xóm Lục Đồi Thị trấn Bo; Câu lạc bộ Chiêng và hát dân ca xã Đú Sáng …
Huyện quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần đối với các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sỹ trong và ngoài huyện, những người tham gia đóng góp xây dựng văn hóa của huyện.
10 năm gần đây, huyện tổ chức 15 hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, tuyên truyền cổ động, liên hoan văn nghệ dân gian và hội thi của các ngành, cơ quan trên địa bàn; 10 lớp tập huấn truyền dạy Chiêng Mường, dân ca Mường.
Huyện Kim Bôi có 1 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nhà nước Nghệ nhân ưu tú, 6 ông mo được Hiệp hội UNESCO Việt Nam cấp bằng công nhận Nghệ nhân Mo Mường.
Để tiếp tục thực hiện tốt, thời gian tới huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền về công tác văn hóa, văn nghệ quần chúng; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tại cơ sở, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa tại cơ sở; hỗ trợ các hoạt động xây dựng các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, đội văn nghệ và đặc biệt là quan tâm phát triển các hoạt động văn nghệ dân gian trên địa bàn huyện nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Đổi mới và nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo, quản lý của cán bộ, công chức đối với văn nghệ quần chúng trong thời kỳ mới; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn.
Nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách, mức đầu tư cho hoạt động nghệ thuật quần chúng. Tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng về nghiệp vụ và chính trị cho đội ngũ văn nghệ sỹ, nghệ nhân dân gian đáp ứng yêu cầu tiếp tục phát triển mạnh mẽ văn nghệ quần chúng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Củng cố, đổi mới hoạt động của các câu lạc bộ, các hội nghề nghiệp liên quan tới hoạt động văn học, nghệ thuật nhằm nâng cao khả năng tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ, nghệ nhân.
Khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống các dân tộc.