Hòa Bình: Người trăn trở tìm đầu ra cho cây mía đường Hoà Bình đề xuất giải pháp gì để phát triển cụm công nghiệp? Hòa Bình: Nhiều công trình nước sạch kém hiệu quả ở xã vùng 3 Ngổ Luông |
Mang kiến thức về phục vụ quê hương
Chị Sùng Y Múa (41 tuổi) ở bản Hang Kia, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình là người phụ nữ Mông đầu tiên mạnh dạn làm homestay đón khách tại nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của ma túy này. Không những thế, Y Múa còn đem kiến thức mình được học về phục vụ cho quê hương, giúp đỡ bà con người Mông nơi đây.
Y Múa tâm sự: “Trước đây, đa số phụ nữ người Mông thuộc xã Hang Kia, Pà Cò đều không được đi học. Đến tuổi trăng rằm, khi họ còn chưa kịp lớn đã theo chồng, sau đó là những tháng năm làm ăn và sinh con một mạch... Quy luật này cứ bám riết lấy phụ nữ người Mông nơi đây cùng với cái nghèo, cái đói quanh năm”.
Sùng Y Múa là người phụ nữ Mông đầu tiên làm homestay ở xã Hang Kia. (Ảnh: SYM) |
Theo Y Múa, vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX, việc phổ cập xóa mù chữ cho người Mông ở xã Hang Kia, Pà Cò được lan rộng. Tuy nhiên, dù có tuyên truyền thế nào, cả xã khi đó cũng chỉ có 13 cô gái Mông, trong đó có Y Múa xung phong xuống huyện học con chữ.
Những năm học xa nhà, Y Múa luôn dặn lòng phải học tập thật tốt để có kiến thức đem về phục vụ quê hương. Sau khi tốt nghiệp ngành y tại Hòa Bình, Y Múa được phân về làm cán bộ y tế ở trạm y tế xã Hang Kia.
Hơn mười năm qua, chị đã không ngừng nỗ lực tuyên truyền chị em phụ nữ Mông cách phòng chống bệnh tật; cùng chính quyền địa phương vận động chị em ra trạm y tế sinh đẻ, có bệnh đến trạm khám chữa, chứ không cúng ma như trước.
Xã Hang Kia nay đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. (Ảnh: SYM) |
Nhờ vậy mà đến nay, hầu hết phụ nữ người Mông ở Hang Kia, Pà Cò cũng đến trạm xã để sinh đẻ. Ngoài ra, Y Múa còn quyên góp được nhiều đồ đạc, quần áo giúp cho các chị em phụ nữ người Mông nơi đây. Giờ Y Múa đến bản nào của xã Hang Kia, bà con cũng coi như con em ruột thịt trong nhà.
Tiên phong làm homestay ở "điểm nóng" ma túy Hang Kia
Người Mông ở Hang Kia, Pà Cò xưa nay chỉ biết làm nương rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ nên không hiểu dịch vụ du lịch là gì. Bằng sự nhạy bén của mình, Y Múa nhận thấy Hang Kia là xã vùng cao lại nằm cạnh cao nguyên Mộc Châu, khí hậu quanh năm ôn hòa và mát mẻ. Khung cảnh thơ mộng nên du khách gần xa đổ dồn về đây du lịch ngày càng nhiều, nhu cầu lưu trú cao. Thế là Y Múa quyết định dựng homestay đón khách, để có thể giao lưu học hỏi, lại có thêm thu nhập, tạo việc làm cho bà con.
Du khách khi đến homestay của Y Múa sẽ được tham gia trải nghiệm nhiều nét văn hóa thú vị của người Mông. (Ảnh: SYM) |
Y Múa vay mượn, mua gỗ, thuê thợ dựng nhà sàn đón khách, tự tay thiết kế, trang trí homestay… Mặc bao khó khăn, vất vả, thiếu thốn đủ thứ nhưng chị vẫn quyết tâm làm. Y Múa nhờ người bản địa dọn nhà, nấu cho du khách những món ăn đặc trưng của người Mông, từ gà nướng, măng xào, cải mèo... món gì du khách cũng thấy ngon, lạ miệng và độc đáo.
Du khách đến với homestay Y Múa để tìm hiểu về văn hóa bản địa. Họ được trải nghiệm những công việc rất đỗi đời thường như thêu thùa, tô sáp ong, làm nương, nhuộm vải, làm giấy dó, thêu thùa… Bản thân Y Múa cũng bất ngờ về nhu cầu trải nghiệm này của du khách. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người tìm đến homestay của Y Múa để tham quan, nghỉ dưỡng.
Đồng thời, được thưởng thức những món ăn đặc trưng của người Mông. (Ảnh: SYM) |
Từ chỗ chỉ có một ngôi nhà sàn nghỉ cộng đồng, Y Múa đã làm thêm được nhiều Bungalow quanh nhà. Những ngôi nhà nhỏ xinh xinh nằm nép mình dưới tán rừng khiến khung cảnh trở nên vô cùng thơ mộng. Mỗi năm, Y Múa đón cả nghìn khách du lịch trong và ngoài nước. Homestay của chị trở thành điểm đến quen thuộc của du khách gần xa.
Nhờ vậy, không chỉ giúp tạo việc làm cho con em người Mông ở Hang Kia, Y Múa còn giúp họ mở homestay giống mình để kinh doanh dịch vụ. Đến nay, xã Hang Kia đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, bà con người Mông cũng đã thay đổi tư duy sản xuất. Họ đã biết tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Mỗi năm có hàng nghìn du khách đến với Hang Kia, Pà Cò. (Ảnh: SYM) |
Đại diện lãnh đạo UBND xã Hang Kia cho biết, Hang Kia là địa bàn sinh sống chủ yếu của người Mông. Xuất phát từ nhu cầu của khách du lịch muốn đến thăm quan, khám phá bản sắc văn hóa người Mông; khám phá khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, chính quyền xã đã xây dựng phương án phát triển kinh tế du lịch cộng đồng. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm những bản sắc văn hóa độc đáo, hấp dẫn của đồng bào Mông như làm bánh giầy, mèn mén, thêu thùa…
Đồng thời đánh giá, Sùng Y Múa là một phụ nữ năng động, nhiệt huyết, tiên phong làm homestay ở Hang Kia, không chỉ tạo việc làm cho bà con người Mông mà còn hướng dẫn họ biết cách kinh doanh dịch vụ du lịch, tăng thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.