Hòa Bình: Dân sống bất an bên mỏ đá Núi Rộc Hòa Bình: Đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng lưới điện Hoà Bình đề xuất giải pháp gì để phát triển cụm công nghiệp? |
Công trình nước sạch kém hiệu quả
Ngổ Luông là xã vùng 3 (vùng đặc biệt khó khăn) của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, từng được đầu tư xây dựng 7 công trình nước sạch từ nguồn vốn các chương trình, dự án lồng ghép. Tuy nhiên, các công trình nước sạch được xây dựng từ đầu những năm 2000 đến nay đã xuống cấp trầm trọng, thậm chí không thể sử dụng.
Anh Bùi Văn Chiểu (45 tuổi, xóm Trẳm) chia sẻ: “Ở xóm có hơn 80 hộ dân, lúc nào cũng trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù trong xóm có 2 công trình nước sạch nhưng chỉ có 1 công trình còn sử dụng được nhưng kém hiệu quả, còn 1 công trình ở đầu nguồn nước hiện đã ngừng hoạt động hoàn toàn”.
Một trong những công trình nước sạch xuống cấp, kém hiệu quả tại xã Ngổ Luông |
Theo anh Chiểu, để có nước dùng, các hộ dân phải đào một cái mó nước nhỏ ở đầu nguồn, sau đó 3 - 4 hộ rủ nhau góp tiền mua ống nước để dẫn nước về dùng. Tuy nhiên, nguồn nước này có lẫn nhiều tạp chất, đá vôi, tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh về thận, đường tiêu hóa, da liễu... ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Chưa kể đến chi phí để mua ống dẫn nước rất tốn kém, cứ 4 – 5 tháng sẽ lại phải thay mới, vô cùng bất tiện.
Còn chị Bùi Thị Huyên (41 tuổi, xóm Trẳm) tâm sự, hàng năm, tình trạng khan hiếm mạch nước ngầm thường xuyên xảy ra từ tháng 12 đến hết tháng 4 năm sau. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, tình trạng khô hạn kéo dài nên nguồn nước để phục vụ sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước.
Công trình nước sạch ở đầu nguồn tại xóm Trẳm, xã Ngổ Luông hiện đã bị vùi lấp, ngừng hoạt động |
Ông Bùi Văn Phong, Trưởng xóm Trẳm cho biết, xóm có 81 hộ dân và 397 nhân khẩu, sau thời gian sử dụng, 2 công trình nước sạch ở xóm đã hư hỏng, hoạt động kém hiệu quả. Dẫn đến việc, các hộ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Ông Phong cho rằng, không phải hộ nào cũng có điều kiện bỏ ra 5 - 6 triệu đồng mua máy bơm và đường ống dẫn nước về nhà sử dụng. Nguồn nước được kéo về cũng không ổn định, thường xuyên xảy ra tình trạng đường ống bị nứt, gãy do trâu, bò dẫm. Bà con trong xóm rất lo lắng trước cảnh khan hiếm mạch nước ngầm mỗi khi mùa khô tới.
Để có nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày, người dân xóm Trẳm phải làm một cái mó nước nhỏ ở đầu nguồn, sau đó mua ống dẫn nước về |
Mong sớm được tu sửa công trình nước sạch
Anh Bùi Văn Tuân, Bí thư Đoàn xã Ngổ Luông nhận định, bên cạnh việc thiếu các công trình nước sạch phục vụ đời sống dân sinh, các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn như: Điện, đường, trạm y tế đã được đầu tư xây dựng nhưng còn thiếu và xuống cấp; tỷ lệ đường giao thông liên thôn, xóm hiện mới cứng hóa đạt khoảng 40%.
Chi phí để mua ống dẫn nước rất tốn kém, lại hay bị hỏng, phải thay mới nên vô cùng bất tiện |
Toàn bộ trục đường giao thông nội đồng, khu sản xuất chưa được đầu tư nhiều, chủ yếu là đường đất. Thực tế đó dẫn đến tình trạng vận chuyển hàng hóa, nông sản gặp khó khăn, kinh phí cao gấp đôi so với các xã vùng thấp. Bà con mong sớm được quan tâm, hỗ trợ đầu tư xây dựng hơn nữa, nhất là công trình nước sạch ở địa phương.
Ông Bùi Văn Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Ngổ Luông thông tin, các công trình nước sạch trên địa bàn xã hiện đã xuống cấp do xây dựng đã lâu, hiện chỉ có duy nhất công trình nước sạch tại xóm Luông Dưới hoạt động hiệu quả, giải quyết nguồn nước ổn định cho khoảng 60 hộ dân. Đối với gần 300 hộ còn lại ở các xóm khác đều sử dụng máy bơm, đường ống dẫn nước từ khe núi về để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Vào mùa khô, tình trạng thiếu nước luôn hiện hữu.
Người dân Ngổ Luông mong mỏi sớm được tu sửa hoặc xây mới các công trình nước sạch ở địa phương để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt |
Bí thư Đảng ủy xã Ngổ Luông cho biết, địa phương rất mong muốn Nhà nước quan tâm hơn nữa, có cơ chế đặc thù đối với những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Huy động các nguồn lực từ chương trình, dự án lồng ghép để đầu tư hạ tầng thiết yếu, trong đó có việc tu sửa hoặc xây dựng mới các công trình nước sạch để đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt cho người dân.
Đồng thời, chính quyền xã cam kết thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ sở. Từ đó, phấn đấu vươn lên giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.