Thứ bảy 19/04/2025 08:32

Hòa Bình bình ổn thị trường dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ

Để ngăn chặn tình trạng khan hiếm hàng và tăng giá bất hợp lý dịp Tết, ngành Công Thương tỉnh Hòa Bình đã triển khai các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu.

Chỉ còn 10 ngày nữa là đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đây là dịp cao điểm mua sắm trong năm của người dân trên khắp cả nước. Tại Hòa Bình, không khí mua sắm tại các chợ, siêu thị tấp nập, lượng hàng nhập về các chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường.

Để bình ổn thị trường dịp Tết, Sở Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng khan hiếm hàng hóa và tăng giá bất hợp lý, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thị trường

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà- Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình:Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang cận kề, chính vì thế ở thời điểm này nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao, đây cũng là thời điểm lượng lớn hàng hóa được các doanh nghiệp đưa ra thị trường.

Hòa Bình bình ổn thị trường dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ

“Nhằm đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết nguyên đán Ất Tỵ, Sở Công Thương đã ban hành Văn bản số 3236/SCT-QLTM ngày 25/12/2024 phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, phao tin thất thiệt về cung cầu giá cả hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá”- bà Hà cho hay.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng đã vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không tham gia và tiếp tay trong việc tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho người sản xuất và tiêu dùng góp phần bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân trong dịp Tết.

Công tác dự trữ hàng hóa nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết cũng được thực hiện nghiêm túc, cùng với đó Sở đã khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa tới khu vực vùng sâu, vùng xa; chủ động tham gia chương trình bình ổn thị trường và thực hiện cam kết đảm bảo bán hàng bình ổn trong dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Ngoài ra, Sở cũng đã ban hành kế hoạch kiểm tra công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn giá, bình ổn thị trường trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, dự kiến thời gian kiểm tra từ ngày 10/01 đến 24/01/2025. Qua đó kiểm tra, giám sát hoạt động thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, phao tin thất thiệt về cung cầu giá cả hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá.

Không để khan hiếm hàng hóa

Theo quy luật thị trường, vào các tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm của nhân dân đối với các nhóm hàng thực phẩm sẽ tăng cao. Đây là thời điểm thuận lợi đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Thời gian này, các doanh nghiệp sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mại, giảm giá... nhằm kích cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng thông qua nhiều hình thức như mua hàng tặng quà, tổ chức bốc thăm trúng thưởng...

Bà Nguyễn Thị Thu Hà- Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình

Bà Hà chia sẻ, dự báo thời điểm bắt đầu diễn ra hoạt động mua sắm hàng Tết Nguyên đán Ất Tỵ bắt đầu từ đầu từ đầu tháng 01 năm 2025. Trong đó, dự kiến nhu cầu nhóm hàng lương thực thực phẩm, thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, rau, củ quả, may mặc, đồ dùng gia đình, hương hoa phục vụ nhu cầu Tết tăng từ 15 - 20% so với thời điểm bình thường.

Đối với tỉnh Hòa Bình, hiện nay hệ thống mạng lưới phân phối hàng hóa ngày càng được mở rộng, củng cố từ thành phố cho đến các huyện vùng sâu, vùng xa với sự xuất hiện của hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại, hệ thống các cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiền ích đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân, tăng khả năng tiếp cận nguồn hàng Việt Nam chất lượng cao. Bởi vậy, nguồn hàng để cung ứng trong dịp Tết năm nay đảm bảo đầy đủ về số lượng, chất lượng, chủng loại đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhiều điểm trưng bày bán sản phẩm đạt OCOP cũng được thiết lập tạo thuận lợi cho người dân mua sắm Tết

“Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở Công Thương đã phối hợp với các cấp, các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, tổ chức các chương trình bán hàng tết, hội chợ triển lãm thương mại, đưa các chuyến hàng Việt về nông thôn nhằm kích cầu tiêu dùng, triển khai việc dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường kết hợp hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"”- bà Hà khẳng định.

Mặt khác, Sở Công Thương cũng phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Ban Quản lý chợ tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại chợ, cửa hàng bách hóa tổng hợp, cửa hàng tự chọn dự trữ hàng hóa để đưa ra tiêu thụ trên thị trường các mặt hàng phục vụ Tết, đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết cho người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết. Sở cũng phối hợp với Cục Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường về công tác giá cả, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, chất lượng sản phẩm, quy định về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tạo nguồn hàng ổn định cung ứng cho thị trường

Sở đã ban hành Văn bản số 3155/SCT-QLTM ngày 05/12/2024 chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh có kế hoạch dự trữ hàng hóa nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết; Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa tới khu vực vùng sâu, vùng xa; chủ động tham gia chương trình bình ổn thị trường và thực hiện cam kết đảm bảo bán hàng bình ổn trong dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thời gian thực hiện từ 01/01/2025 đến 07/02/2025 (Tức ngày mùng 10 Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025).

Tết nguyên đán 2025, toàn tỉnh có 05 doanh nghiệp cam kết tham gia bình ổn giá dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 với tổng số tiền là 38.785.607.000 đồng, các mặt hàng tập trung bình ổn gồm 09 nhóm mặt hàng là: Lương thực (Các loại gạo, mỳ tôm...); thực phẩm (tươi sống, đông lạnh, công nghệ và chế biến...); dầu ăn các loại; nước chấm các loại; bột ngọt các loại; sữa các loại; rượu các loại (trừ rượu ngoại); bia các loại; nước giải khát.

Để không gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Sở Công Thương đã phối hợp với các cấp, các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, tăng cường kiểm tra, giám sát không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, tổ chức các chương trình bán hàng tết, hội chợ triển lãm thương mại, đưa các chuyến hàng Việt về nông thôn nhằm kích cầu tiêu dùng, triển khai việc dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường kết hợp hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Các doanh nghiệp phân phối đảm bảo đủ nguồn hàng thiết yếu phục vụ người dân

Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất và người tiêu dùng, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 20/11/2024 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, cùng các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở đã ban hành văn bản phối hợp thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, qua đó tăng cường phối hợp với lực lượng Công an, Quản lý thị trường, địa phương trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường về công tác giá cả, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, chất lượng sản phẩm, quy định về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, góp phần bảo đảm để người dân được vui Xuân, đón Tết đầy đủ, an vui, sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc sở tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đoàn kiểm tra của Sở Công Thương và Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ

Cụ thể, đã cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm theo Kế hoạch số 01/KH-BCĐATTP ngày 08 /01/2025 của Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình về việc Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân 2025, trong đó, thành lập 01 Đoàn do Sở Công Thương làm trưởng đoàn và cử 02 cán bộ tham gia 02 đoàn do Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn theo quyết định của Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình.

Chương trình bình ổn thị trường với mục đích nhằm tạo nguồn hàng ổn định cung ứng cho thị trường, khắc phục được tình trạng thiếu hàng gây “sốt” giá trong dịp lễ, Tết; Tạo dựng được mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, tạo lập được liên kết giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từng bước hình thành được mạng lưới phân phối hàng hóa, góp phần không nhỏ trong việc giúp người nghèo, người thu nhập thấp tiếp cận được với những mặt hàng bình ổn giá.

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Tết Nguyên đán

Tin cùng chuyên mục