Thanh Hóa dành nhiều quan tâm, hỗ trợ người trồng rừng |
Hỗ trợ gạo cho người trồng rừng khi chưa đảm bảo lương thực
Nhằm góp phần đẩy nhanh phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ rừng, tăng độ che phủ rừng của huyện Quan Hóa đến năm 2020 lên hơn 86%, vừa qua UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo tự nguyện trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trong thời gian chưa đảm bảo được lương thực giai đoạn 2018 - 2024 trên địa bàn huyện Quan Hóa… Đối tượng được hỗ trợ là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo tự nguyện trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trong thời gian chưa đảm bảo được lương thực. Theo đó, mức hỗ trợ gạo được xác định cho từng hộ gia đình căn cứ vào diện tích trồng rừng, diện tích rừng chăm sóc và bảo vệ, mỗi héc-ta không quá 700kg/năm, mỗi nhân khẩu được trợ cấp bình quân 10kg/tháng. Riêng đối với hộ nghèo, mức hỗ trợ 15kg/tháng…
Huyện Quan Hóa có diện tích tự nhiên gần 100.000 héc-ta, trong đó diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp gần 90.000 héc-ta. Năm 2017, thống kê diện tích đất trống quy hoạch cho lâm nghiệp hơn 6.000 héc-ta, hiện nay chủ yếu canh tác nương rẫy, trong khi đó, diện tích trồng mới rừng hàng năm còn rất thấp, nguyên nhân do người dân chưa tự giác tham gia trồng rừng.
Mục tiêu của đề án đặt ra sau 7 năm thực hiện, các hộ tham gia trồng mới được 3.500 héc-ta rừng thay thế nương rẫy, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và chăm sóc, bảo vệ 22.863 héc-ta rừng phòng hộ; mỗi năm, các hộ thuộc đối tượng hộ dân tộc thiểu số, hộ người Kinh nghèo trồng được khoảng 500 héc-ta rừng theo phương thức trồng mới. Đến năm 2023, nâng tổng diện tích rừng trồng mới của các hộ được hỗ trợ gạo là 3.500 héc-ta. Qua đó, tạo việc làm thường xuyên, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho khoảng hơn 4.300 hộ, góp phần giảm 5 - 6% hộ nghèo trên địa bàn…
Khôi phục và phát triển rừng lim xanh
Lim xanh là cây đặc hữu của Việt Nam thuộc loài nguy cấp, quý hiếm, hạn chế khai thác, sử dụng. Do khai thác quá mức và kéo dài nhiều năm liên tục, không gắn với tái sinh nên hiện các khu rừng lim xanh của Thanh Hóa đã bị khai thác cạn kiệt, gần như tuyệt chủng, chỉ còn lại rất ít cây ở nơi địa hình quá phức tạp, không thể vận chuyển được và một phần diện tích rừng lim xanh lâu năm tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy)… Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Đề án Khôi phục và phát triển rừng lim xanh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2018 - 2025, nhằm phát triển gỗ lớn, nâng cao năng suất chất lượng rừng, bảo tồn nguồn gen quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân miền núi.
Theo ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, trên cơ sở ý kiến từ các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện đề án, tiếp đến tỉnh sẽ phê duyệt kế hoạch khôi phục và phát triển cây lim xanh Thanh Hóa theo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh đến năm 2020. Với phương châm, nơi nào đã có diện tích lim thì cần tập trung khôi phục, bảo vệ, nơi nào có khả năng trồng được thì khuyến khích phát triển, mục tiêu là trồng rừng tập trung và phân tán, phù hợp với hệ sinh thái. Trong đó, tập trung ở 4 huyện đang có diện tích lim xanh do cộng đồng và các chủ rừng Nhà nước quản lý là Bá Thước, Thạch Thành, Như Thanh, Như Xuân...