Ngư dân được vay vốn đóng tàu |
Khôi phục, phát triển sản xuất
Đối với việc vay vốn tín dụng đóng tàu, dự thảo Đề án quy định chính sách vay vốn tín dụng đóng tàu. Cụ thể, các chủ tàu có công suất dưới 90CV sẽ được vay vốn tại các Ngân hàng thương mại Nhà nước để đóng mới tàu cá có công suất lớn hơn.
Sẽ có 2 hình thức hỗ trợ, một là chủ tàu được vay 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm. Trong đó, chủ tàu chỉ phải trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù phần còn lại. Thời hạn vay là 15 năm, năm đầu tiên kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên chủ tàu được miễn lãi suất và chưa phải trả nợ gốc. Chủ tàu có thể dùng chính con tàu của mình làm tài sản thế chấp.
Hình thức thứ hai là hỗ trợ một lần sau đầu tư. Theo đó, được hỗ trợ bằng 50% giá trị tàu đóng mới, nhưng không quá 2 tỷ đồng/tàu. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ ngày chính sách có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2017.
Liên quan đến vay vốn để phát triển sản xuất, dự thảo Đề án quy định đối tượng vay gồm: Hộ gia đình tham gia khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thuỷ sản, nghề muối bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố môi trường. Hạn mức được vay tối đa 100 triệu đồng/hộ tại ngân hàng Chính sách Xã hội; lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo từng thời kỳ. Trường hợp cá nhân, hộ gia đình đang vay vốn theo các chương trình tín dụng khác phục vụ sản xuất, kinh doanh không bị thiệt hại tại Ngân hàng Chính sách xã hội thì tổng mức vay bao gồm cả các khoản vay theo chính sách này không vượt quá 100 triệu đồng/hộ.
An sinh xã hội
Chính sách an sinh xã hội được đánh giá là một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo Đề án. Theo đó, hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế cho các cá nhân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển với thời gian hỗ trợ trong 3 năm. Hỗ trợ 100% học phí cho con em người dân bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển theo học phổ thông, đại học trong và ngoài công lập trong 2 năm học (2016 - 2017 và 2017 - 2018). Mức hỗ trợ là mức học phí đối với các chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục công.
Dự thảo Đề án cũng quy định, người dân bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển có nhu cầu đào tạo nghề được hưởng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề bao gồm: Đối với người dân có nhu cầu học nghề ngắn hạn để chuyển đổi việc làm sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo nghề bao gồm học phí, sinh hoạt phí, chi phí đi lại đối với một khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo không quá 3 tháng. Mức hỗ trợ tiền ăn hàng ngày và chi phí đi lại áp dụng như đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đối với người dân có nhu cầu đào tạo nghề dài hạn (trung cấp/cao đẳng) quy định: Đối với người bắt đầu học, hỗ trợ toàn bộ học phí cho một khóa đào tạo; Đối với người đang theo học, hỗ trợ học phí thời gian còn lại của khóa đào tạo (kể từ tháng 4/2016). Mức hỗ trợ là mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục công lập.
Người dân bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được ưu tiên theo các ngành nghề phù hợp với đặc điểm của ngư dân vùng biển và gắn với sinh kế từ biển khi đủ điều kiện. Các thị trường tập trung ưu tiên: ngư nghiệp tại Hàn Quốc, đánh bắt gần bờ tại Đài Loan, Hàn Quốc, thực tập sinh chi phí thấp tại Nhật Bản, đánh bắt gần bờ và xây dựng tại Thái Lan; ưu tiên tuyển chọn con em các hộ gia đình tham gia các chương trình đào tạo/tuyển chọn điều dưỡng viên tại Nhật Bản và Cộng hòa Liên bang Đức.
Các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đang nợ và có các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước được xử lý giãn nợ, khoanh nợ và hỗ trợ tiền nộp thuế. Để khôi phục hoạt động du lịch Đề án cũng quy định Hỗ trợ 50% tiền nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT; giãn nợ tối đa 12 tháng (tính từ tháng 4/2016) cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển...
Dự thảo Đề án này đã được trình Thủ tướng Chính phủ và sẽ sớm được phê duyệt trong thời gian tới.