Do ảnh hưởng từ việc gia tăng bảo hộ ngành sản xuất nội địa của các quốc gia nhập khẩu, nên hàng hóa xuất khẩu, trong đó có hàng dệt may của Việt Nam đang có nhiều nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).
Số vụ việc gia tăng
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 40,4 tỷ USD, chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 18,65 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu 186 tỷ USD của Việt Nam. Hiện, 3 thị trường xuất khẩu dệt may chủ lực của Việt Nam là châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đây cũng là 3 thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, lần lượt là 34,1%, 16,8% và 5,3%.
Dệt may là ngành hàng xuất khẩu có nguy cơ cao bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại |
Bên cạnh tăng trưởng tích cực về xuất khẩu, dệt may Việt Nam cũng đang gặp các thách thức không nhỏ do tác động của thị trường, trong đó nguy cơ điều tra về PVTM là rất lớn khi xu hướng bảo hộ trên toàn cầu đang gia tăng. Theo Cục PVTM (Bộ Công Thương), những ảnh hưởng từ việc gia tăng bảo hộ ngành sản xuất nội địa của các quốc gia nhập khẩu, cũng như tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan trong các FTA Việt Nam tham gia làm cho nguy cơ bị áp dụng các biện pháp PVTM với hàng hóa xuất khẩu, trong đó có hàng dệt may của Việt Nam.
Số liệu thống kê cho thấy, tính từ năm 1998 đến tháng 7/2022 đã có 22 vụ việc điều tra PVTM với hàng dệt may và các vụ việc này có chiều hướng gia tăng trong vòng 3 năm trở lại đây. Trong số các vụ việc trên có 12 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 3 vụ việc điều tra chống trợ cấp, 1 vụ việc điều tra chống lẩn tránh, 6 vụ việc tự vệ. Điển hình phải kể tới như vụ việc Ấn Độ điều tra chống bán phá giá (CBPG) với sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo và sợi spun polyeste của Việt Nam; hay Hoa Kỳ điều tra CBPG với sản phẩm sợi polyester và Thổ Nhỹ Kỳ điều tra tự vệ sản phẩm sợi từ polyeste của Việt Nam.
Theo Cục PVTM, trong các vụ kiện PVTM, không ít doanh nghiệp (DN) trong ngành dệt may do thiếu điều kiện về tài chính và nhận thức về tầm quan trọng của thị trường, thường trốn tránh việc bị kiện và để lại những tiền lệ xấu. Mặt khác, do mức độ hiểu biết về PVTM chưa sâu nên vẫn còn bị động khi trở thành đối tượng bị điều tra, không hiểu rõ các công việc cần thực hiện trong khi yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài rất chặt chẽ về trình tự thời gian, thủ tục, các thông tin DN phải cung cấp. Vì thế, việc các DN không đáp ứng đúng yêu cầu của cơ quan điều tra nên nhận được kết quả bất lợi, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Khi những rào cản thuế quan không còn hữu hiệu, Cục PVTM nhận định, việc các quốc gia sử dụng biện PVTM nhằm bảo hộ sản xuất trong nước là điều tất yếu. Do vậy, để đảm bảo lợi ích hợp pháp cũng như tạo môi trường ổn định cho phát triển bền vững của ngành dệt may cũng như tránh nguy cơ bị áp thuế PVTM, Cục PVTM khuyến cáo tới DN và toàn ngành, là cần nghiên cứu các công cụ PVTM từ đó đưa ra các giải pháp, chính sách phù hợp. Ngoài ra, bản thân mỗi DN cần cập nhật cảnh báo từ cơ quan quản lý, các động thái khởi xướng điều tra từ thị trường; đầu tư, chú trọng xây dựng bộ phận chuyên môn về pháp luật PVTM để tư vấn kịp thời nhằm tránh thiệt hại nếu bị áp dụng biện pháp PVTM.
Về phía Bộ Công Thương, thời gian qua đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động như sớm tiếp cận với các DN trong những ngành có nguy cơ và/hoặc bị điều tra, áp dụng biện PVTM để cung cấp thông tin, giúp các DN hiểu được quy định, yêu cầu và quy trình điều tra; các công việc DN cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra đối với DN. Trong một số vụ việc, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trực tiếp cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài để họ hiểu rõ về các chính sách, quy định của Việt Nam, tránh đưa ra những kết luận bất lợi cho các DN Việt Nam dựa trên những cáo buộc thiếu khách quan và không chính xác.
Thời gian tới, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng, xu thế sử dụng các biện pháp PVTM ngày càng gia tăng, Cục PVTM khẳng định, công tác hỗ trợ DN xuất khẩu Việt Nam, trong đó có DN dệt may ứng phó với các biện pháp này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển các thị trường. Theo đó, Cục PVTM - Bộ Công Thương sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với cơ quan điều tra PVTM của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và DN; hướng dẫn DN bày tỏ quan điểm, phản bác các lập luận thiếu căn cứ, đồng thời cung cấp thông tin, hỗ trợ DN trong quá trình xử lý vụ việc…
Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng xử lý PVTM cho các hiệp hội, ngành hàng, các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa. |