Quảng Ninh đưa vào hoạt động nhiều công trình trọng điểm |
Nhằm làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Quang Hải - Giám đốc Sở Giao Thông vận tải tỉnh Quảng Ninh.
Quảng Ninh đang là địa phương điển hình trên cả nước về phát triển hạ tầng giao thông với tổng chiều dài đường cao tốc là 176 km - dài nhất Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về hành trình xây dựng hệ thống cao tốc này?
Với quan điểm “Giao thông đi trước một bước”, đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, từ năm 2012 đến nay, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng như dự án Cầu Bạch Đằng, dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, dự án đường dẫn cầu Bắc Luân II, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt Hạ Long… Tổng vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng từ năm 2013 đến nay là trên 135.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn huy động từ các dự án theo hình thức đối tác công tư khoảng 43.099 tỷ đồng.
Ông Hoàng Quang Hải - Giám đốc Sở Giao Thông vận tải tỉnh Quảng Ninh |
Các công trình trọng điểm, động lực này có ý nghĩa chiến lược, quan trọng, hiện thực hóa định hướng phát triển không gian của tỉnh là “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá”.
Đặc biệt, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn, hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã từng bước triển khai đầu tư tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái dài 176 km từ năm 2013 và hoàn thành mảnh ghép cuối cùng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào ngày 1/9/2022 với tổng vốn đầu tư 44.859 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ các nhà đầu tư theo hình thức BOT là 27.668 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác là 17.191 tỷ đồng.
Hệ thống cao tốc này có ý nghĩa như nào với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, thưa ông?
Tuyến đường cao tốc từ Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái là tuyến giao thông huyết mạch chạy dọc tỉnh kết nối 3 khu kinh tế trọng điểm: Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái và hơn 20 khu công nghiệp, liên thông với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và các cảng biển của Quảng Ninh;rút ngắn thời gian di chuyển từ Vân Đồn đến Hà Nội chỉ còn 2h00’ (trước đây thời gian di chuyển từ Vân Đồn đến Hà Nội theo quốc lộ 18 khoảng 5h30’); từ Móng Cái đến Hà Nội còn 2h45’(trước đây thời gian di chuyển từ Móng Cái đến Hà Nội theo quốc lộ 18 khoảng 8h30’); cùng với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội- Lào Cai hình thành tuyến cao tốc dài 600km kết nối các trung tâm kinh tế khu vực phía Bắc của Việt Nam gồm: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với tỉnh Quảng Ninh, trực tiếp là Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Tuyến cao tốc này có ý nghĩa chiến lược, mở ra cửa ngõ giao thương của Việt Nam, Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN với Trung Quốc, Khu vực hợp tác “Hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt - Trung; thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng phát triểnkinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh giữa vùng núi, biên giới Đông - Tây Bắc với duyên hải và Đồng bằng sông Hồng... Kết nối đồng bộ, hợp tác hóa lãnh thổ, liên thông giữa các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng kinh tế, tam giác, tứ giác phát triển; nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống giao thông vận tải cảng biển, cảng hàng không và các tuyến cao tốc phía Bắc.
Ngày 1/9/2022, Quảng Ninh chính thức thông tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, mảnh ghép cuối cùng chuỗi cao tốc dọc tỉnh Quảng Ninh. Dự án gặp không ít khó khăn, đặc biệt vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh đã ảnh hưởng như thế nào đến việc triển khai công trình?
Quá trình triển khai thi công dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng thi công lớn trong điều kiện địa chất, thủy văn hết sức phức tạp, địa hình thi công liên tục thay đổi, khối lượng của dự án rất lớn, gần 15 triệu m3 đất đá, xây dựng 35 cầu trên tuyến chính với tổng chiều dài 7,9km, 4 nút giao, 3 cầu vượt nút giao…
Trong quá trình xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư đã gặp không ít khó khăn, công trình thi công trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát, biến động giá cả vật tư, vật liệu cho tới điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Mặc dù triển khai trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng xác định đây là các dự án trọng điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ngay sau khi khởi công, dự án luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành. Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Các sở, ban, ngành đã phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các thủ tục, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của 5 địa phương: Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên và Vân Đồn nơi tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi qua đã tích cực, quyết liệt, nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn để triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt, công trình đã nhận được sự đồng lòng, ủng hộ cao của người dân, chỉ sau 15 ngày phát động, gần 1.200hộ dân tự nguyện ký biên bản bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công dự án, 326 hộ phải bố trí tái định cư, 320 ngôi mộ phải di chuyển, với diện tích thu hồi khoảng 527ha.
Ban Thường vụ tỉnh ủy Quảng Ninh đã quyết tâm, đồng lòng với nhiều chủ trương đúng đắn để thực hiện thành công dự án như: tổ chức phát động chiến dịch 500 ngày đêm hoàn thành dự án và càng được đẩy lên mạnh mẽ trong giai đoạn thi công nước rút khi ngày 02/9/2021 tỉnh Quảng Ninh đã phát động đợt thi đua cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Với sự cố gắng không ngừng nghỉ của chủ đầu tư, doanh nghiệp dự án, các nhà thầu xây dựng, các kỹ sư, công nhân lao động, sau 25 tháng thi công, “vượt nắng, thắng mưa” đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã hoàn thành và khánh thành đưa vào sử dụng đúng dịp cả nước và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh phấn khởi chào mừng kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thưa ông, diện mạo hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua có những chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Vậy trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ có những kế hoạch gì trong việc tiếp tục phát triển hệ thống hạ tầng giao thông?
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó xác định “Đầu tư phát triển kết hạ tầng kinh tế - xã hội là một trong ba khâu đột phá chiến lược”, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải với các công trình giao thông trọng điểm, động lực như: Cầu Cửa Lục 3, Nút giao Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến khu công nghiệp Amata… và đặc biệt là tuyến Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều đoạn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đồng Triều (giai đoạn 1) với chiều dài 41,2 km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với thành phố Hải Phòng để khởi công cầu Rừng...
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chủ trương huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu chính sách tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai một số tuyến chính như: Cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Cao tốc Lạng Sơn - Tiên Yên, đường sắt Hải Phòng - Hạ Long, đường sắt Hạ Long - Móng Cái...
Tham mưu đầu tư các công trình giao thông kết nối liên vùng gồm: Đầu tư xây dựng các dự án Cầu Lại Xuân, Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10; Cải tạo nâng cấp QL4B và QL279; Dự án đường nối QL.18....; tham mưu Bộ Giao thông vận tải sớm nghiên cứu triển khai quy hoạch các tuyến đường sắt trọng điểm theo quy hoạch đường sắt quốc gia. Đẩy nhanh đầu tư và nâng cao hiệu quả kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng, phát triển, hoàn thiện hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển trọng tâm.
Xin cảm ơn ông!