Infographics | Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) Thực hiện hiệu quả, bảo đảm đúng lộ trình cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do |
Phát biểu tại Hội thảo Tiêu chuẩn lao động quốc tế: Cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp và chuỗi cung ứng xuất khẩu của Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạc và Đầu tư) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức vào ngày 17/10, tại Hà Nội, ông Đặng Đức Anh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTAs), trong đó có 4 hiệp định chứa đựng cam kết lao động và được xếp vào loại “thế hệ mới”, bao gồm: Hiệp định với Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do với Liên hiệp Vương quốc Anh (UKVFTA).
Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do |
Đặc biệt, với việc ký kết và thực thi Hiệp định CPTPP và EVFTA qua nhiều năm đàm phán, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành những mục tiêu quan trọng nhất trong Chiến lược đàm phán Hiệp định thương mại tự do giai đoạn 2010 - 2020. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị tác động nặng nề bởi chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19, hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm nhỏ các nền kinh tế thành công trong việc duy trì mức tăng trưởng dương.
Cũng theo ông Đặng Đức Anh, năm 2022, xuất khẩu Việt Nam đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021, trong đó có phần đóng góp quan trọng của thương mại với các thị trường trong các FTAs thế hệ mới.
Các FTAs được thực thi cho phép hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường ở trên 50 quốc gia, bao gồm hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, các hiệp định CPTPP, EVFTA được coi là các FTA thế hệ mới, phù hợp xu thế phát triển của thương mại hiện đại.
“Tính chất “mới” của các hiệp định này bao gồm mức độ tự do hóa cao cho thương mại và đầu tư cùng các quy tắc thương mại tiên tiến, các cam kết phi truyền thống. Nhờ vậy, các FTAs này không chỉ mở ra các cơ hội thương mại tiềm năng với các nền kinh tế phát triển mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình cải cách thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp lý và thực thi về thương mại và đầu tư của Việt Nam” – ông Đặng Đức Anh khẳng định.