Phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử - tâm linh Nhiều di tích ở Côn Đảo nói ''không'' với cúng, đốt vàng mã |
Số liệu thống kê của huyện Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy, trên địa bàn huyện có 41 cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh các mặt hàng đồ lễ (hoa, trái cây, vàng mã...) và nhiều cơ sở khác có hoạt động mua bán đồ lễ tự phát, tập trung chủ yếu tại khu trung tâm huyện và gần các địa điểm di tích lịch sử - văn hóa.
Côn Đảo kiên quyết thực hiện chủ trương "Nói không với hoạt động cúng, đốt hàng mã". Ảnh: Văn Quang |
Ngoài ra, theo ghi nhận của chính quyền địa phương, thời gian gần đây, số lượng người dân và du khách thực hiện việc dâng cúng, đốt vàng mã tại Nghĩa trang Hàng Dương, các điểm di tích trên địa bàn huyện ngày càng nhiều và đã xuất hiện các vấn đề bất cập, có biểu hiện bị lạm dụng, biến tướng sang các hình thức mê tín dị đoan.
Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo cho biết, trung bình mỗi ngày đêm có khoảng 1.400 - 1.600 bộ vàng mã được hóa (đốt) tại các điểm di tích trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, việc tự do tuyên truyền, quảng cáo của một số cá nhân, cơ sở kinh doanh đồ lễ trên không gian mạng như: Facebook, Youtube, TikTok... về các nghi thức, lễ cúng tại di tích có biểu hiện mê tín dị đoan, sai lệch lịch sử, tạo thông tin không đúng về giá trị của di tích, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Côn Đảo.
Từ thực tế trên, giữa năm 2023, UBND huyện Côn Đảo đã ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND về triển khai thực hiện chủ trương hạn chế tiến tới dừng dâng cúng, đốt hàng mã tại các điểm, khu di tích trên địa bàn huyện Côn Đảo, với lộ trình thực hiện cụ thể với 3 giai đoạn.
Cụ thể, bắt đầu từ 1/7/2024, UBND huyện Côn Đảo "Nói không với hoạt động cúng, đốt hàng mã" tại các di tích do đơn vị quản lý, gồm miếu Cậu, mộ 75 chiến sĩ, miếu Thổ địa, An Sơn miếu, chùa Núi Một, miếu Ngũ Hành. Theo chính quyền địa phương, việc cấm hoạt động này góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn không gian xanh, sạch, đẹp cho các di tích, ngăn chặn biến tướng, thương mại hóa, làm giảm giá trị linh thiêng của các di tích; giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống một cách đúng đắn, tập trung vào các nghi lễ mang tính tâm linh và thiêng liêng hơn.
Tuy nhiên, dù chính quyền Côn Đảo đang kiên quyết nói "không" với hoạt động cúng, đốt hàng mã tại các di tích thì nhiều cơ sở kinh doanh đồ lễ trên địa bàn còn chưa đồng thuận với chủ trương. Trong đó, một số chủ cơ sở đã đăng tải thông tin phản ứng với chủ trương này lên các trang mạng xã hội, gây ra dư luận trái chiều, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Côn Đảo. Nhiều du khách cũng bày tỏ họ sẽ khó thể hiện sự thành tâm khi đến với các di tích tại Côn Đảo.
Tục cúng, đốt vàng mã là truyền thống văn hoá của người Việt để thể hiện sự giao tiếp của con người với thế giới siêu nhiên. Trao đổi với Báo Công Thương, PGS.TS - Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, cúng, đốt vàng mã xưa nay được xem như cách ứng xử của “người trần” đối với “người âm”, nhưng chỉ là sử dụng như những đồ dâng cúng mang ý nghĩa tượng trưng chứ không phải đồ thật.
Tuy nhiên, tập tục này đang có chiều hướng bị lạm dụng quá đà, gây phản cảm, sai lệch bản chất, giá trị. Đáng nói, việc chạy theo quan niệm "trần sao âm vậy" đã không chỉ trở thành hành vi mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh mà còn gây lãng phí, tốn kém, ô nhiễm môi trường và nhất là nguy cơ mất an toàn do cháy nổ.
Trước thực tế đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ban hành nhiều công văn gửi các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự, trong đó có việc hạn chế đốt vàng mã. Thậm chí, Nghị định 75/2010/NÐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ còn nêu rõ sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi đốt vàng mã tại lễ hội, di tích lịch sử văn hóa, nơi công cộng. Theo đó, tại Điểm C, Điều 18 có quy định mức phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi đốt đồ vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác.
Thời gian qua, các quy định đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân về cúng đốt hàng mã tại các di tích, đền chùa. Tuy vậy, dường như các quy định vẫn chưa đủ mạnh để hạn chế thói quen cúng, đốt vàng mã tràn lan khi đi chùa vào dịp lễ, Tết, thăm quan các điểm di tích của đông đảo người dân, du khách.
Vì vậy, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, kế hoạch "Nói không với hoạt động cúng, đốt hàng mã" tại các di tích ở Côn Đảo có thể được đánh giá là một chuyển biến tích cực, là chủ trương quyết liệt, đúng đắn nhằm thực hiện nghiêm các quy định văn hoá.
Mặt khác, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu rõ, kế hoạch này có thể giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống một cách đúng đắn, tập trung vào các nghi lễ mang tính tâm linh và thiêng liêng hơn, góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn không gian xanh, sạch, đẹp cho các di tích. "Việc đốt hàng mã tuy có giá trị tín ngưỡng, nhưng nếu không được kiểm soát chặt chẽ, có thể dẫn đến biến tướng, thương mại hóa, làm giảm giá trị linh thiêng của các di tích"- ông Sơn cho hay.
Đặc biệt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn khuyên cáo, đốt hàng mã có thể gây ra nguy cơ cháy nổ, đặc biệt là tại các di tích nằm trong khu vực rừng núi. Việc cấm đốt hàng mã sẽ giảm thiểu rủi ro này, bảo đảm an toàn cho di tích và du khách. Ngoài ra, kế hoạch này cũng là cơ hội để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ di tích, tôn trọng các quy định văn hóa, từ đó giúp xây dựng ý thức cộng đồng tốt hơn.
Tuy nhiên, để tránh gây phản ứng trái chiều từ người dân, du khách với chia sẻ hạn chế đốt cúng hàng mã khiến họ khó thể hiện sự thành tâm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cũng cần có kế hoạch giáo dục, hướng dẫn, tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra các phản ứng tiêu cực do quan niệm tín ngưỡng lâu đời. Đồng thời, thay thế các hành vi đốt hàng mã bằng các hoạt động ý nghĩa khác cũng là một điều cần được quan tâm.