Lũ và quy trình xả lũ
Theo Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), khi nhận được bản tin dự báo có lũ, các đơn vị quản lý vận hành phải vận hành mở cửa xả theo lệnh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Phòng chống cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh để đưa mực nước hồ về mực nước trước lũ/đón lũ. Bên cạnh đó, trong quá trình lũ, nếu mực nước hồ đạt cao trình quy định, các chủ hồ phải vận hành mở cửa xả để duy trì mực nước hồ ở mực nước cho phép tại thời điểm đó; lưu lượng xả không lớn hơn lưu lượng nước về hồ để không gây lũ nhân tạo cho vùng hạ du.
Đồng thời, trước khi vận hành mở cửa xả, chủ đập phải thông báo đến các cơ quan chức năng để các cơ quan này thông báo cho nhân dân vùng hạ du biết để có biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do xả lũ.
Nhưng có một điều rõ ràng có thể nhận thấy, hồ nào cũng chỉ có dung tích nhất định, nếu lượng nước về vượt quá sức chứa thiết kế, các hồ buộc phải xả xuống hạ du, nhưng bao giờ lượng nước xả cũng ít hơn lượng nước về vì một phần nước được tích lại trong hồ. Vì vậy, nếu không có hồ thủy điện, lũ lụt ở miền Trung thời gian qua có thể còn nặng nề hơn
Theo các chuyên gia, các hồ chứa có thể không cắt được lũ hoàn toàn nhưng nếu tận dụng quy trình vận hành liên hồ khoa học và nghiêm túc thì việc giảm lũ sẽ hiệu quả hơn. Cụ thể, cần có sơ đồ ngập lụt cho liên hồ vì hiện mới chỉ có sơ đồ cho từng hồ, nhưng nếu các hồ cùng xả thì sơ đồ ngập lụt sẽ rất khác. Chưa kể đến vấn đề lũ thoát chậm nhiều khi còn do nguyên nhân cửa sông ven biển bị bồi lấp, hiện tượng vi phạm hành lang bảo vệ hồ chứa vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là khu vực bán ngập. Có những đợt lũ lớn không phải do thủy điện xả lũ mà chủ yếu do các công trình hạ tầng phía hạ lưu chắn dòng thoát lũ. Đó là chưa kể, nhiều đập chưa cắm chỉ giới bảo vệ an toàn đập hoặc đã có chỉ giới nhưng dân vẫn vi phạm làm ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của công trình.
Cũng theo Cục An toàn Kỹ thuật và Môi trường công nghiệp thì hiện chúng ta mới chỉ quan tâm đến con số mà thủy điện xả là bao nhiêu, mà quên đi mất con số thủy điện phải đón lũ về từ thượng nguồn là bao nhiêu.
Giải nỗi oan của thủy điện
Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca- Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, một báo cáo của Nhóm Công tác châu Âu về đập và lũ lụt, xuất bản năm 2010, cho thấy đập (cả thủy điện, thủy lợi và cấp nước) "đã giúp giảm nhẹ lũ lụt ở tất cả các nước châu Âu”.
PGS.TS Vũ Thanh Ca cho hay, các hồ thủy điện ở Việt Nam được vận hành theo chuẩn quốc tế. Và dù quy trình xả lũ khác nhau nhưng có điểm chính là hồ có hai ngưỡng chính gồm “đón lũ” và “xả lũ”. Tùy vào lượng mưa mà hồ xả nước theo lưu lượng nào. Khi mưa lớn kéo dài, hồ xả nước với lưu lượng bằng lưu lượng nước về hồ. Nghĩa là khi đó, lượng nước đổ về hạ lưu không có gì thay đổi so với khi không có hồ. Nói chính xác, điều này có nghĩa "không phải thủy điện gây ra lũ". Có nhiều nghiên cứu cho thấy không có thủy điện thì lũ sẽ cao hơn rất nhiều. Bởi hồ thủy điện đã đón một lượng nước đáng kể thay vì toàn bộ lượng nước đó đổ về hạ lưu.
“Ta cứ làm thí nghiệm, lấy một cái chậu đang có một ít nước, cho một vòi nước vào đó và cho nước chảy vào chậu. Ban đầu ít nước, nước giữ trong chậu. Sau đó, mực nước trong chậu tăng lên, tới lúc tràn. Đây là “xả lũ”. Lúc này, lượng nước từ vòi vào chậu sẽ bằng mực nước xả ra và mực nước trong chậu không đổi. Thủy điện chính là cái chậu đó. Cái chậu đó tích được thêm một ít nước, nhưng không sinh thêm ra nước để đổ ra ngoài. Nếu phía cuối sân có chỗ trũng thì rõ ràng là nước chảy qua chậu sẽ gây ngập...” – PGS. TS Vũ Thanh Ca phân tích và khẳng định, không có cơ sở khoa học nào để nói thủy điện làm tăng lũ; nếu không có đập thủy điện, lũ vẫn thế, thậm chí cao hơn. Đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện, lũ cao hơn rất nhiều!
Vai trò của các hồ chứa thủy điện trong việc cắt/giảm lũ cho hạ du thể hiện rõ trong đợt mưa lũ vừa qua, lưu lượng về các hồ thủy điện khu vực miền Trung tăng nhanh. Tuy nhiên, các hồ thủy điện đã vận hành an toàn và tuân thủ quy trình vận hành (liên hồ, đơn hồ) được cấp thẩm quyền phê duyệt, không gây tác động bất lợi cho hạ du. Đặc biệt, hồ thủy điện Đak Mi 4 đã cắt, giảm được trận lũ rất lớn ngày 28/10/2020 với lưu lượng đỉnh lũ 15.571,47 m3/s về hồ và lưu lượng qua tràn 7.070 m3/s cắt được 55% đợt lũ.
Đến nay, Thủ tướng đã ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên cả nước, trong đó, liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là một trong những quy trình bắt buộc các thủy điện phải tuân thủ. Để tránh tình trạng lũ chồng lũ, khi có dự báo mưa lũ lớn, các thủy điện ở miền Trung cùng chính quyền các địa phương phải chủ động rà soát, quyết định phương án xả lũ thích hợp để không gây nguy hiểm cho an toàn hồ đập và làm tăng ngập lụt cho hạ du khi mưa lũ lớn.