Các hồ thuỷ điện ở miền Trung - Tây Nguyên đã điều tiết giảm đỉnh lũ (Ảnh minh hoạ) |
Thông báo của Công ty CP Thủy điện Đak Mi (chủ đầu tư công trình thủy điện Đak Mi 4) cho biết, từ 15h30 ngày 28/10, đơn vị đã thực hiện vận hành hồ thủy điện Đak Mi 4. Theo đó tăng lưu lượng xả tràn lần 2 dự kiến lên đến 11.400 m3/giây. (Thực tế chỉ xả 7.074 m3). Với lượng nước này cùng với mưa lớn, liên tục ở hạ nguồn, mức nước trên sông Vu Gia lên cao, đặc biệt khu vực Ái Nghĩa. Điều này có thể gây ngập lụt cho dân cư ở khu vực huyện Đại Lộc – vốn được coi là rốn lũ của tỉnh Quảng Nam.
Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy, ngày 28/10 đỉnh lũ về hồ thuỷ điện Đak Mi 4 lúc 15h45 đạt mức 15.571m3/s. Trước đó, thuỷ điện đã xả một lượng lớn nước, hạ mức nước hồ để có thêm dung tích phòng lũ trước cơn bão số 9.
Trước diễn biến bất lợi của thuỷ văn, Công ty đã cập nhật, báo cáo kịp thời với UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan để vận hành điều tiết xả nước và đã cắt/giảm được đỉnh lũ cho hạ du. Cụ thể là lưu lượng từ thượng nguồn về hồ là 15.571m3/s, đã điều tiết xả qua tràn là 7.074 m3/s, giảm được khoảng 8.000m3/s (chiếm gần 50%) đỉnh lũ.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có sự điều tiết hợp lý, kịp thời của tất cả các hồ thuỷ điện trong khu vực trước đó thì khu vực Đại Lộc và hạ lưu Vũ Gia – Thu Bồn sẽ phải chịu mức nước trên báo động 3 vài mét, gây thảm hoạ cho người dân.
Cũng rất may là cùng thời điểm đó, nhánh sông có thuỷ điện A Vương, Sông Bung 4 đã chủ động điều tiết, hạ mức nước hồ xuống để ứng phó với cơn bão số 9, mặt khác lũ về các hồ thuỷ điện không lớn. Cụ thể, lưu lương về hồ/lưu lượng điều tiết qua tràn ở thuỷ điện A Vương là 1.156/315 m3/s, Sông Bung 4 là 1.769/161, Sông Tranh 2 là 9.868/4.386 m3/s.
Như vậy, các hồ thuỷ điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã tham gia điều tiết cắt/giảm lũ cho vùng hạ du. Tuy nhiên, với thời tiết còn diễn biến phức tạp, lượng lũ về các hồ thuỷ điện còn lớn, nước vùng hạ du không thể rút nhanh nên việc nước dâng trên các sông, đặc biệt là vùng trũng như Ái Nghĩa – Đại Lộc (Quảng Nam) là khó tránh khỏi.
Điều đáng mừng là báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, tính đến 9 h sáng ngày 29/10, lưu lượng nước lũ về các hồ thuỷ điện của EVN đã giảm.
Một số hồ thuỷ điện của EVN đang điều tiết nước |
Để chủ động phòng tránh và giảm thiệt hại cho người dân vùng hạ du, trong nhiều ngày qua, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chính quyền các địa phương, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam đã liên tục có chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó; Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khắc phục tình trạng mưa bão, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân; Thường xuyên cập nhật, thông tin tuyên truyền với mọi hình thức để người dân được biết, có biện pháp phòng tránh, di dời người và tài sản, giảm thiểu tối đa các thiệt hại.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương và các địa phương đều đã có công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc, quyết liệt triển khai các biên pháp phòng chống thiên tai; thực hiện khắc phục hậu quả sau mưa bão, đặc biệt là những vùng bị ảnh hưởng lũ lụt.
Bộ Công Thương cũng đã kịp thời cử đoàn công tác do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng làm trưởng đoàn đến kiểm tra, làm việc với một số công ty thuỷ điện tại Quảng Nam, Quảng Ngãi về việc đảm bảo an toàn hồ đập; công tác vận hành hồ chứa mùa mưa bão; công tác phòng chống thiên tai.
Nhiệm vụ cấp bách lúc này là cần triển khai biện pháp cứu trợ người dân với tinh thần không để dân đói, dân khát, hướng dẫn cho nhân dân cách phòng tránh an toàn; Các chủ hồ thuỷ điện cần dự báo thuỷ văn, báo cáo thường xuyên cho chính quyền các địa phương; thực hiện nghiêm quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa; điều tiết nước hợp lý để giảm thiểu tình trạng lũ chồng lũ cho vùng hạ du.