Số liệu kim ngạch xuất khẩu dệt may của Bangladesh có đáng tin? Mảng màu sáng và tối trong bức tranh thị trường xuất khẩu dệt may |
Được thành lập ngày 16/7/1999, trải qua 25 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã ghi nhiều dấu ấn trong sự phát triển của ngành dệt may-ngành công nghiệp quan trọng của đất nước.
Theo ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong suốt qua trình phát triển hiệp hội đã tái cấu trúc mô hình hoạt động. Đến nay thành viên chính thức và liên kết của hiệp hội đã lên tới gần 1.000 doanh nghiệp. Ngoài ra còn nhiều hội viên là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam và hành trình 25 năm tạo dấu ấn cùng ngành công nghiệp chục tỷ USD. Ảnh: Vitas |
Hiệp hội đã tham gia đóng góp vào những cơ chế, chính sách của Đảng và Chính phủ, thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi hội viên, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Góp phần thúc đẩy tăng trưởng phát triển của ngành dệt may Việt Nam. Từ năm đầu tiên chỉ xuất khẩu được khoảng 1,75 tỷ USD, đến nay đạt 40 tỷ USD năm 2023 và dự báo sẽ hơn 40 tỷ USD năm 2024.
Hàng loạt thương hiệu, nhãn hiệu dệt may Việt Nam đã có uy tín trên thị trường trong nước và một số thị trường nước ngoài. Doanh thu thị trường nội địa trung bình đạt trên 3 tỷ USD, có năm đạt trên 4 tỷ USD.
Ngành cũng đã xây dựng được chiến lược kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt để đáp ứng những yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do về xuất xứ nguyên liệu từ trong nước. Vấn đề này tạo điều kiện để tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu giảm theo từng năm.
Hiệp hội cũng có vai trò nổi bật trong các giải pháp xây dựng liên kết chuỗi khi phối hợp triển khai hàng loạt những chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, tổ chức các đoàn liên kết chuỗi để tăng cường gắn kết, hợp tác, học hỏi lẫn nhau về mô hình quản lý, mô hình công nghệ.
Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các thành tựu, kinh nghiệm trong 25 năm qua là cơ sở để Hiệp hội Dệt may Việt Nam tiếp tục phát huy trong những chặng đường sắp tới.
Theo đó, hiệp hội tiếp tục xây dựng chiến lược kêu gọi đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt để giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu. Đưa ra những giải pháp đối với chiến lược mua hàng, các rào cản của những nước nhập khẩu để hạn chế những rủi ro cho doanh nghiệp.
Tiếp tục đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng, đa dạng hóa đối tác, khách hàng để không quá phụ thuộc vào 1 số thị trường, 1 số khách hàng nhất định. Xây dựng tầm nhìn, khát vọng chuyển đổi nhanh ngành công nghiệp thời trang Việt Nam có thương hiệu riêng.
Xây dựng giải pháp chiến lược về nền công nghiệp dệt may tự động hóa, robot hóa, quản trị số, trên cơ sở minh bạch hóa hoạt động của ngành, dệt may Việt Nam. Đó là ngành dệt may có sự chủ động nguồn nguyên liệu, chủ động nguồn lực quản trị có năng lực, theo kịp xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.
Xây dựng mối quan hệ toàn cầu, chủ động bước đi, tránh những rủi ro, thương mại không bền vững, đáp ứng những đòi hỏi của các hiệp định thương mại tự do về sử dụng sản phẩm tái chế, sản phẩm thân thiện với môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình xanh hóa toàn diện, tiết kiệm các nguồn nguyên liệu, sử dụng năng lượng tái tạo. Đáp ứng theo cam kết của Chính phủ về giảm thiểu phát thải ròng về 0 vào năm 2050.