Các nước khối EFTA và Thái Lan tái khởi động đàm phán hiệp định thương mại tự do Hiệp định thương mại tự do giúp “trợ lực” xuất khẩu cà phê |
Đây là nội dung phần cuối cùng của Hiệp định thương mại tự do song phương và việc ký kết này sẽ tạo điều kiện cho Hiệp định Thương mại tự do giữa Israel và UAE (Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất) được ký vào tháng 5 năm ngoái có hiệu lực thực thi. Trong khi quan hệ ngoại giao song phương mới đây trở nên căng thẳng, quan hệ kinh tế giữa Israel và UAE đã có một bước tiến quan trọng vào ngày 26/3/2023, khi hai bên đã ký kết phần cuối cùng và quan trọng nhất của Hiệp định Thương mại tự do giữa hai nước.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu (đứng giữa) chứng kiến Bộ trưởng Ngoại giao Eli Cohen và Đại sứ UAE tại Israel Mohamed Al-Khaja trao đổi văn kiện Thỏa thuận Hải quan được ký kết giữa hai nước ngày 26/3/2023 tại Jerusalem |
Tại lễ ký kết Thỏa thuận hải quan, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Thỏa thuận hòa bình lịch sử đã được ký kết với UAE vào năm 2020 tiếp tục đơm hoa kết trái, vì lợi ích của người dân cả hai nước. Thỏa thuận hải quan được ký kết hôm nay sẽ dẫn đến việc thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước, qua đó sẽ giảm thuế nhập khẩu, giảm chi phí sinh hoạt, đẩy mạnh hơn nữa trao đổi thương mại giữa Israel và UAE. Thủ tướng của Israel cũng tin chắc rằng sẽ có thể mở rộng vòng tròn hòa bình giữa Israel và các quốc gia láng giềng khác ở trong khu vực.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Ngoại giao Eli Cohen, Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực là một tin quan trọng đối với nền kinh tế Israel, để tăng cường quan hệ với UAE và là minh chứng rõ nữa cho tầm quan trọng của Thỏa thuận hòa bình có tên gọi là Abraham. Israel hiện đang cố gắng mở rộng Thỏa thuận Abraham tới thêm các quốc gia khác. Sau khi Hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực, thuế nhập khẩu sẽ được cắt giảm hoặc bãi bỏ đối với khoảng 96% sản phẩm hàng hóa và sẽ cho phép các công ty Israel tiếp cận với các đơn thầu của chính phủ UAE.
Hiệp định thương mại tự do giữa Israel và UAE sẽ là động lực tăng trưởng chủ đạo để tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại song phương cũng như sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Năm 2022, trao đổi thương mại giữa Israel và UAE đạt trên 2,5 tỷ USD (không tính xuất nhập khẩu phần mềm và dịch vụ) và do đó, UAE đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 16 của Israel. Ngay khi Hiệp định thương mại tự do với UAE có hiệu lực, Bộ Ngoại giao Israel dự báo quy mô trao đổi thương mại song phương sẽ tăng lên đáng kể, điều này sẽ dẫn đến tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm tại thị trường Israel và cũng sẽ làm giảm chi phí sinh hoạt ở Israel.
Thỏa thuận Hải quan giữa hai nước đã mất nhiều tháng để ký kết vì các bên phải xem xét rà soát cẩn thận từng sản phẩm và quyết định những sản phẩm nào sẽ được đưa vào danh mục cắt giảm thuế. UAE cho biết, thỏa thuận này cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với hơn 96% số dòng thuế và 99% giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước.
Các cơ quan Thuế và Hải quan của Israel là những thành viên chủ chốt tham gia trong các cuộc đàm phán thỏa thuận. Các bên đã kết thúc đàm phán cách đây vài tuần nhưng lễ ký kết đã phải đợi cho đến khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Ngoại giao Eli Cohen và Đại sứ UAE Mohamed Al-Khaja cùng có mặt ở Israel tại một thời điểm chung.
Từ trái qua: Đại sứ UAE tại Israel Mohamed Mahmoud Al-Khaja, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Ngoại giao Eli Cohen |
Dự kiến Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày 01/4 sắp tới. Hiệp định thương mại tự do Israel – UAE bao gồm các quy định, hải quan, dịch vụ, mua sắm của chính phủ, thương mại điện tử và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, khoảng 96% sản phẩm được trao đổi giữa hai nước bao gồm thực phẩm, nông nghiệp, mỹ phẩm, thiết bị y tế và thuốc men, sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Một số sản phẩm sẽ được miễn thuế ngay lập tức, trong khi những sản phẩm khác sẽ được cắt giảm thuế theo lộ trình dần dần.
Israel và UAE đã ký Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 2020 như một phần của Thỏa thuận Abraham do Hoa Kỳ hậu thuẫn. Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 2020 đạt được giữa hai nước là một trong hàng loạt các thỏa thuận do Hoa Kỳ làm trung gian được gọi là Thỏa thuận Abraham. Sau khi ký Thỏa thuận bình thường hóa, hai nước cũng đã bắt tay vào khởi xướng và triển khai một loạt dự án hợp tác, bao gồm quỹ nghiên cứu và phát triển chung để thúc đẩy các dự án công nghệ của các công ty Israel và UAE./.