Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 15-10 tới.
Tiểu thương thờ ơ
Nghị định quy định hàng nhập lậu gồm hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu. Hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu.
Do đó, bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định, không làm thủ tục hải quan... cũng bị xác định là hàng hóa nhập lậu.
Theo đó, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1 triệu đến 100 triệu đồng.
Mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc... có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm này Nghị định 98 chưa có hiệu lực nên vẫn còn rất ít người biết, các hoạt động buôn bán hàng hóa xách tay vẫn diễn ra bình thường. Ông Lê Thanh Chuyền (chủ shop buôn bán sữa nội - ngoại nhập tại quận 3, TP HCM) cho biết mặt hàng sữa xách tay những năm trước rất nhiều, hiện chỉ còn một số loại bán được vì các thương hiệu sữa lớn đã có hàng nhập khẩu chính thức. Tuy nhiên, những người bán như ông vẫn sống được vì sữa xách tay có giá "mềm" hơn hàng chính hãng.
Tại chợ Cũ trên đường Tôn Thất Đạm (quận 1, TP HCM), người tiêu dùng không khó để hỏi mua các mặt hàng rượu, sữa bột xách tay. Tại một sạp bán nhiều mặt hàng sữa ngoại nhập, bà chủ giới thiệu cho khách đủ loại như sữa Meiji hộp 800 g xách tay trực tiếp từ Nhật loại cho trẻ dưới 1 tuổi có giá 450.000 đồng/hộp, loại từ 1-3 tuổi 550.000 đồng/hộp, rẻ hơn hàng chính hãng cả trăm ngàn đồng.
Còn các mặt hàng rượu ngoại xách tay bán ở đây cũng dán tem nhãn như hàng nhập chính thức nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết tem nhãn này đều là giả để qua mắt người tiêu dùng và cơ quan chức năng.
Khi được hỏi về việc sắp tới hàng xách tay sẽ bị xử phạt nặng và bị xem là hàng lậu nếu không có hóa đơn, chứng từ theo quy định, một người chuyên bán hàng xách tay không tỏ ra lo lắng mà còn cho rằng trước giờ ai kinh doanh hàng xách tay đều "mặc định" là bán hàng lậu, khi cơ quan chức năng kiểm tra mà không có hóa đơn, chứng từ chắc chắn bị xử lý theo quy định. Để yên ổn làm ăn, những người bán rất ít trưng bày hay trữ hàng hóa xách tay ở cửa hàng, thậm chí là vỏ hộp, mà chủ yếu là hàng có "giấy phép". Do đó khi cơ quan chức năng kiểm tra cũng rất khó phát hiện được hàng xách tay tại cửa hàng.
Cần luật pháp đồng bộ
Theo Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT), hàng xách tay sẽ không bị xem là vi phạm nếu cá nhân đem từ nước ngoài về với mục đích sử dụng, biếu tặng. Tuy nhiên, khi đưa ra thị trường buôn bán thì phải khai báo rõ ràng và nộp thuế, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt. "Đó là quy định trước đây, nay theo quy định mới về hàng xách tay phân định hành vi rõ ràng hơn và có mức xử phạt cụ thể" - vị đại diện cục này nói thêm.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh nhìn nhận dù đã có quy định xử phạt hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ… nhưng do vài năm nay, tình trạng hàng nhập lậu, hàng xách tay nở rộ quá nhiều nên cần có quy định xử phạt cụ thể hơn. Do đó, Nghị định 98 thực chất là để cụ thể hóa hơn các quy định trong Nghị định 185 về xử phạt trong lĩnh vực thương mại, buôn lậu… hiện hành. "Trước đây, khi chưa có Nghị định 98, lực lượng QLTT xử phạt đối với hàng hóa xách tay không có hóa đơn, chứng từ tương tự như xử lý hàng lậu. Nghị định mới quy định rõ hơn về mức độ xử phạt để áp dụng" - ông Linh nói.
Ông Kiều Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế - Tổng cục QLTT, khẳng định về bản chất, hàng xách tay chính là hàng lậu. Cách gọi "hàng xách tay" xuất phát từ giới kinh doanh và đây là cách gọi thông dụng ngoài thị trường. Hàng hóa xách tay xuất hiện tràn lan ở thị trường Việt Nam thực chất là hệ quả của hoạt động buôn lậu qua biên giới. Cũng bởi tính chất phức tạp nên để ngăn chặn tình trạng này, việc áp dụng một vài biện pháp xử phạt hành chính là chưa đủ. "Xử phạt hành chính chỉ là một kênh để hạn chế buôn lậu, buôn bán hàng hóa trái pháp luật nhằm ngăn chặn vi phạm về thuế, từ đó ngăn thất thoát nguồn thu thuế từ hoạt động thương mại. Để xử lý được tận gốc tình trạng này, cần đồng bộ chính sách từ thương mại, thị trường đến thuế, hải quan…" - ông Kiều Dương đề xuất.
Cũng theo ông Dương, tâm lý người Việt thích hàng xách tay bởi quan niệm đây là sản phẩm chất lượng cao, chính hãng, giá "mềm" do không phải chịu thuế. Tuy nhiên, với hàng loạt hiệp định thương mại mới được ký kết, hàng hóa chất lượng cao từ nhiều quốc gia theo đường chính ngạch vào Việt Nam sẽ được miễn, giảm thuế. Điều này có thể khiến hàng xách tay dần mất điểm đối với người tiêu dùng.
Trong khi đó, Cục QLTT TP.HCM thừa nhận hàng xách tay, hàng lậu hiện nay được bán rất nhiều trên mạng gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa.