Đến giữa tháng 3, cán cân thương mại thặng dư gần 3 tỷ USD Nửa cuối tháng 3, cán cân thương mại thặng dư 1,97 tỷ USD |
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất được Tổng cục Hải quan công bố chiều ngày 10/10, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong tháng 9/2023 đạt 59,16 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 30,68 tỷ USD, giảm 6,3% so với tháng 8/2023.
Xuất nhập khẩu có dấu hiệu phục hồi, thặng dư ở mức cao (Ảnh minh hoạ) |
Trong tháng có 7 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,48 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,04 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 4,07 tỷ USD; dệt may đạt 2,57 tỷ USD giày dép đạt 1,34 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,21 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,14 tỷ USD. Tính chung hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 258,97 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chiều ngược lại, nhập khẩu trong tháng 9 ghi nhận con số 28,48 tỷ USD, giảm 2,9% so với tháng trước. Hết tháng 9, tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 237,33 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ 2022.
Như vậy, hết tháng 9, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 496,3 tỷ USD. Cán cân thương mại đạt thặng dư 21,64 tỷ USD.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã dần được cải thiện qua các quý. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 giảm 11,9%; quý II giảm 11,8% nhưng đến quý III chỉ giảm 8,5% so với cùng kỳ. Từ những tín hiệu tích cực này, có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm.
Thời gian tới, để gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới với các đối tác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.
Đơn cử, tại phiên họp Hội đồng CPTPP diễn ra trực tiếp tại New Zealand vào tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã cùng đại diện được ủy quyền của các nước ký văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh.
Bộ Công Thương hiện đang xây dựng hồ sơ trình phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên năm 2024.
Riêng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA) vừa được ký kết, Bộ Công Thương đang tiến hành các thủ tục nội bộ theo quy định tại Luật Điều ước quốc tế năm 2016 để trình Chính phủ phê duyệt VIFTA, sớm đưa hiệp định này vào thực thi dự kiến từ đầu năm 2024. Song song với đó, bộ sẽ nghiên cứu xây dựng và triển khai các hoạt động nhằm phổ biến rộng rãi các cam kết của VIFTA tới cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới… Đồng thời, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch. Tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.