Hà Nội: Nhiều điểm mới trong Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2020 Đẩy mạnh tôn vinh, tuyên truyền sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao |
Dẫn dòng chảy hàng Việt đi khắp thành thị, nông thôn
Giữa tâm điểm khi dịch Covid-19 lần 2 bùng phát trở lại. Đoàn làm việc về công tác chuẩn bị hàng hóa và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các đơn vị thương mại trên địa bàn thành phố (TP) Hà Nội do bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với 5 hệ thống phân phối lớn và 1 chợ đầu mối. Song song với công tác chuẩn bị đủ nguồn hàng, đảm bảo nguồn cung, phòng chống dịch, một nội dung quan trọng mà bà Trần Thị Phương Lan đề nghị các doanh nghiệp (DN) phân phối triển khai trong bối cảnh dịch Covid-19 đó là: Mỗi một điểm bán hàng của DN thương mại bố trí một khu gian hàng hỗ trợ cho các tỉnh đưa hàng hóa, nông sản vào bán trong hệ thống; bố trí 1 điểm bán hàng OCOP nhằm giúp tuyên truyền quảng bá sản phẩm OCOP không chỉ riêng Hà Nội mà còn các tỉnh, TP, giúp quảng bá sản phẩm, người tiêu dùng có nhiều sản phẩm để lựa chọn và nhấn mạnh việc này mang lại đây là lợi ích cho cả DN phân phối và nhà sản xuất.
Sau buổi làm việc này, Sở Công Thương Hà Nội có buổi làm việc, thống nhất phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP năm 2020 tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Theo đó, thống nhất đưa vào khai trương, vận hành 11 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với làng nghề tại các địa phương trước 10/10/2020. Các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP nêu trên đã góp phần quảng bá, kết nối tiêu thụ cho 301 sản phẩm OCOP cấp TP đã được phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và hàng nghìn sản phẩm cho các tỉnh, TP trong cả nước. Đây là điểm mới trong việc triển khai Cuộc Vận động mà Sở Công Thương triển khai.
DN bán lẻ và DN sản xuất sản phẩm OCOP kết nối tiêu thụ |
Trước đó, bà Lan cùng lãnh đạo Sở Công Thương cũng đã tham mưu UBND TP thường xuyên tổ chức các cuộc giao ban, đối thoại hàng năm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Tham mưu giúp UBND TP ban hành và chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 02/02/2015 của UBND TP thực hiện Quyết định 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014 – 2020 trên địa bàn TP gắn với thực hiện các chương trình công tác của Sở hàng năm.
Bà Lan cũng góp phần tích cực trong việc tổ chức thành công 10 Hội nghị giao thương, kết nối cung-cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, TP từ năm 2016- 2019; hỗ trợ các tỉnh, TP tổ chức khoảng 30 tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, TP tại Hà Nội và các kênh phân phối trên địa bàn TP; tạo điều kiện để sản phẩm của 28 tỉnh, TP tham gia quảng bá tại các kênh phân phối nước ngoài (Aeon- Nhật Bản, Lotte- Hàn Quốc, Central Group- Thái Lan…); Tổ chức thành công 6 Hội chợ hàng Việt TP Hà Nội; 24 Chương trình Hội chợ phục vụ Tết Nguyên đán; 29 Tuần hàng Việt; 115 phiên chợ Việt tại các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất; chỉ đạo các DN sản xuất kinh doanh tổ chức 2.526 chuyến bán hàng lưu động trên địa bàn TP.
Bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội (thứ 2 từ trái sang) đi kiểm tra công tác dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần 2 |
Các chương trình do thành phố triển khai đã thu hút đông đảo DN, đơn vị sản xuất tham gia quảng bá, bán sản phẩm, đồng thời nghiên cứu, phát triển mạng lưới bán lẻ rộng khắp trên địa bàn. Thông qua chương trình đã hỗ trợ các DN nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, mở rộng hệ thống phân phối tại khu vực ngoại thành trên địa bàn TP. Cụ thể, Hệ thống siêu thị Lan Chi mở 4 siêu thị tại huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên, Đông Anh; các DN cung ứng thực phẩm thiết yếu vào bếp ăn tập thể các khu, cụm công nghiệp Bắc Thăng Long - Đông Anh, Hà Bình Phương - Thường Tín, Phú Nghĩa- Chương Mỹ, Nội Bài- Sóc Sơn….
Đáng chú ý, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn có ý nghĩa lớn và mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt vào thời điểm Tết Nguyên đán. Tại các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, các mặt hàng được bày bán đều là hàng hóa thiết yếu được sản xuất trong nước, có nguồn gốc rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá kèm theo. Tại đây, người dân còn được các DN tư vấn những thông tin cần thiết về sử dụng, bảo quản hàng hóa, cách phân biệt hàng giả... Với mẫu mã đa dạng, giá hợp lý, hàng Việt đang ngày càng được khách hàng nông thôn ưa chuộng. Các phiên chợ cũng góp phần tạo nên không khí vui tươi, điểm sinh hoạt thương mại ấn tượng tại vùng sâu, vùng xa.
Người tiêu dùng mua hàng Việt tại phiên chợ Việt tổ chức tại huyện Thanh Trì |
Ngoài ra, bà cũng tham mưu trình UBND TP ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu hàng năm, thu hút hàng trăm lượt DN và các tổ chức tín dụng tham gia dự trữ hàng hóa, đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, đặc biệt trong dịp lễ, Tết. Đến năm 2020, có 11.862 điểm bán hàng bình ổn giá rộng khắp trên địa bàn TP; hỗ trợ DN tham gia Chương trình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng.
Tham mưu giúp UBND TP xây dựng kế hoạch và tổ chức thường niên 10 năm chương trình Tháng khuyến mại Hà Nội vào tháng 11 hàng năm, thu hút tổng số trên 3.000 lượt DN, trên 10.000 điểm khuyến mại tham gia và Chương trình khuyến mại tập trung của TP để kích cầu tiêu dùng. Tham mưu giúp Ban Chỉ đạo Cuộc vận động và UBND TP tổ chức tốt chương trình bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích hàng năm. Kết quả từ năm 2015 – 2019 tổng số có 504 lượt sản phẩm của 336 DN được người tiêu dùng yêu thích, bình chọn.
Nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ thành viên Ban chỉ đạo; chỉ đạo xây dựng Kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động hàng năm gắn với thực hiện các Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ, Chương trình hành động của Bộ Công Thương, Kế hoạch của UBND và Ban chỉ đạo Cuộc vận động TP Hà Nội về việc triển khai Cuộc vận động trên địa bàn; trực tiếp chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thực hiện Cuộc vận động thuộc lĩnh vực phụ trách và phối hợp chỉ đạo, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ thực hiện cuộc vận động của TP và ngành Công Thương; chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở tham mưu, phối hợp với Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương, các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn TP triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Cuộc vận động theo kế hoạch của Bộ Công Thương và Ban chỉ đạo Cuộc vận động TP;…
Những đóng góp trên của bà Trần Thị Phương Lan đã góp phần giúp là hàng hóa do các DN trong nước sản xuất đã có vị thế, được người tiêu dùng lựa chọn. Cùng với đó, người tiêu dùng đã nâng cao được lòng tự tôn, tự hào dân tộc, quan tâm nhiều hơn, ưu tiên sử dụng và khuyến khích người thân sử dụng hàng Việt.
Đến nay, 100% DN Thủ đô và người tiêu dùng biết đến Cuộc vận động. Tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống chợ đạt trong khoảng 65% - 70%; tại hệ thống trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi của DN Việt Nam tính trung bình trên 90%; tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại của DN có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 80%;
Theo kết quả cuộc điều tra bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao 2019 của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm của các DN trong nước hiện chiếm ưu thế trên thị trường Việt Nam, với tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích và thường mua dùng lần lượt là 89% và 93%.
Không chỉ đưa thương hiệu “Made in Việt Nam” trở thành niềm tự hào của người Việt. Sự đóng góp của bà còn khích lệ DN nhìn nhận lại khoảng thời gian đã bỏ trống thị trường nội địa. Lãnh đạo DN nhìn nhận, cần có sản phẩm tốt để phục người tiêu dùng trong nước - thị trường được nhiều nước thế giới đang mơ ước, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ. Cũng từ đó, nhiều DN trong nước đã khẳng định vị trí thị trường, chiếm lĩnh thị trường nội địa, gây được niềm tin cho người tiêu dùng Việt. Từ việc sản phẩm đứng vững sân nhà, các DN có điều kiện phát triển ra thị trường nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu. Cơ quan quản lý nhà nước rà soát chính sách, quan tâm đến DN nhiều hơn, tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư sản xuất, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại.
Hàng Việt ngày càng được đưa vào nhiều hơn trên các kệ hàng của các siêu thị, kênh phân phối hiện đại |
Là hành trình liên tục, có điểm đầu mà không có điểm cuối
Hiện nay, trong bối cảnh Việt Nam tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, hướng đến một nền kinh tế mở. Cùng với các cơ hội được mở ra thì hàng hóa nước ngoài cũng sẽ tràn vào và cạnh tranh với hàng Việt nhiều hơn, gay gắt hơn bởi mẫu mã, giá cả và cả tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng Việt.
Dẫn câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc, bà Trần Thị Phương Lan cho rằng, thực hiện Cuộc vận động này cũng tương tự như vậy, kết quả trên chỉ là bước đầu. Chặng đường sau còn khó khăn hơn và đòi hỏi sự nâng cao về chất. Cuộc vận động cũng cần thay đổi tâm thế để chuyển thành Cuộc vận động "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam" hay "Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam".
Bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội |
Luôn sâu sát, lắng nghe ý kiến từ nhà phân phối, truyền đạt ý kiến và thay đổi cách suy nghĩ, cách làm của nhà sản xuất để tạo ra những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Tổ chức hiệu quả, đa dạng các hoạt động, dịch vụ kết nối cung- cầu hàng hóa cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam là những gì chúng tôi cảm nhận được từ bà. “Nếu như trước đây, chúng ta thường tuyên truyền, vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, thì chương trình sẽ cần chuyển sang một nội dung, hình thức làm mới, hướng tới người tiêu dùng tự hào sử dụng hàng Việt Nam, các DN tự hào sản xuất cũng như cung ứng hàng Việt Nam. Nói thật với bạn, khó nhất vẫn là thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và tư duy về thị trường nội địa của DN. Việc này đòi hỏi một quá trình, giống như “mưa dầm thấm lâu” vậy”, bà Lan nói.
Luôn gắn mình vào vai của người lãnh đạo DN và người nông dân trên đồng ruộng. Theo bà, thái độ nghiêm túc làm việc và tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm trong công việc luôn đi đôi với nhau để hoàn thành nhiệm vụ. “Công việc của tôi là đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng. Để trong mỗi ngôi nhà của người Việt, hàng Việt Nam sẽ hiện hữu phần lớn. Tôi tin rằng khi mình làm việc nghiêm túc bằng tình yêu thì sẽ đạt được kết quả”, bà Lan nói.
Trước đây, tôi thường đi thăm quan các siêu thị, cửa hàng tiện ích và cả những cửa hàng tạp hóa nhỏ và cũng đặt câu hỏi, sao hàng ngoại lại chiếm ưu thế nhiều hơn hàng Việt, vì sao người thích dùng hàng ngoại. Do giá cả, bao bì, chất lượng hay còn những yếu tố nào khác nữa? Tại sao người Nhật luôn ưu tiên dùng hàng trong nước?. Trong những chuyến công tác đi kết nối cung cầu về các tỉnh, trực tiếp về các vùng sản xuất của người nông dân tôi đều trăn trở tại sao các sản phẩm nông nghiệp vừa tốt, vừa ngon như vậy lại khó tiêu thụ đến thế, phải chăng người nông dân chỉ biết sản xuất mà chưa biết đến gắn kết cung cầu, công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm…
Việc hàng Việt chiếm lĩnh được thị trường nội địa sẽ giúp các DN trong nước có chỗ đứng vững chắc. |
Thị trường Hà Nội rất rộng, gần 100 triệu dân, việc hàng Việt chiếm lĩnh được thị trường nội địa sẽ giúp các DN trong nước có chỗ đứng vững chắc. Kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu. Để người Việt tin tưởng và ủng hộ hàng Việt cần một quá trình. Và tôi chỉ là người trong những người kết nối. Vai trò của các DN mới đặc biệt quan trọng.
Bởi vì thị trường vẫn là thị trường và chỉ có DN tạo ra các sản phẩm hàng hóa với chất lượng ngày càng tốt hơn cả về mẫu mã, bao bì và chất lượng sản phẩm, giá cả phù hợp với người tiêu dùng. DN Việt làm nhiều hơn khách hàng mong đợi. Khi đó, hàng Việt sẽ “ăn sâu, bén rễ” vào tâm lý người tiêu dùng Việt Nam. Và khi đó, người Việt với hàng Việt sẽ chuyển từ “ưu tiên” sang “tự hào”. “Trên thực tế, những thương hiệu Việt đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng đều bắt nguồn từ mục tiêu tạo ra những sản phẩm chất lượng, trung thực, tôn trọng khách hàng”, bà Lan nói.
Kết quả thu được hôm nay, theo bà Lan, một mình bà không làm được, mà đó là sự nỗ lực các cấp ủy, đảng, chính quyền, sự chung tay của toàn ngành, của tập thể cán bộ công chức của Sở và sự ủng hộ nhiệt tình của các DN phân phối, bán lẻ, DN sản xuất, nhằm tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Trong dòng chảy của hàng Việt trên thị trường, trong mỗi con đường, góc phố, mỗi căn nhà của người việc dân Thủ đô, có sự đóng góp không nhỏ của người phụ nữ nhỏ bé này. Ghi nhận những đóng góp của bà trong việc triển khai Cuộc Vận động, hàng năm bà đều được TP tăng Bằng Khen về thực hiện Cuộc vận động, được Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen 5 năm, 10 năm thực hiện Cuộc vận động. Năm 2019, bà Trần Thị Phương Lan vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch Nước.
Người tiêu dùng mua đặc sản vùng miền tại Hội chợ Hàng hóa nông sản thực phẩm Tết Kỷ hợi 2019 |
Trong câu chuyện với chúng tôi, nụ cười là thứ luôn thường trực trên khuôn mặt bà. Nụ cười của sự hạnh phúc bởi thành quả, trái ngọt đã được chạm tay vào. Bà chia sẻ: "Nếu cuộc sống của người nông dân làm việc vất vả nắng mưa trên đồng ruộng với thóc, lúa, ngô, khoai; nếu cuộc sống của người thợ xây dựng vất vả trên các công trường với những khối bê tông, cốt thép. Thì công việc của tôi trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động cũng như hạt lúa, trái ngọt vậy. Tôi cũng giống như những người dân lao động ấy mà thôi. Tôi rất hạnh phúc khi làm được làm những việc có ích cho các DN và người nông dân. Tôi vui khi DN không còn hàng tồn kho, thúc đẩy phát triển được sản xuất kinh doanh và rất vui sau mỗi mùa vụ người nông dân thu được giá trị cao nhất trên mồ hôi công sức của mình".
Để tiếp tục phát huy sức mạnh của hàng Việt trên thị trường nội địa, bà Trần Thị Phương Lan cho biết sẽ cùng Sở, ban, ngành sẽ tiếp tục bám sát các chủ trương của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, phối hợp với các thành viên trong Ban chỉ đạo và các địa phương trong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Đồng thời, tiếp tục có nhiều chương trình, hoạt động đổi mới, rộng khắp, để tăng cường công tác truyền thông, quảng bá cho các sản phẩm Việt, giúp người tiêu dùng biết đến các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ uy tín, có chất lượng, các sản phẩm mới, các sản vật vùng miền… trên thị trường Việt Nam, để người tiêu dùng biết đến hàng Việt và tin cậy khi tiêu dùng hàng Việt.