Thượng đế được một…
Sau cuộc điện thoại của Công ty nước mắm Vạn Phần- Quỳnh Lưu-Nghệ An, chúng tôi lên đường tham gia một phiên chợ hàng Việt vào dịp cuối năm. Ông Võ Văn Đại - Giám đốc Công ty CP Thủy sản Vạn Phần - cho biết, công ty đã tham gia 4 phiên chợ, ký hợp đồng cung ứng sản phẩm với 4 nhà phân phối, để tham gia các phiên chợ có hiệu quả, công ty xác định phương thức bán hàng tận nơi, tự trang trải mọi chi phí vận chuyển, đầu tư các thiết bị xe chở hàng chuyên dụng. Mặc dù kinh phí bỏ ra khá lớn, song qua các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, doanh số bán hàng của công ty tăng đáng kể, đạt trên 12 tỷ đồng, trong đó 60% từ khu vực nông thôn, 20% khu vực thành phố và 20% ngoại tỉnh.
Siêu thị Intimex Nghệ An cũng là đơn vị rất tích cực tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Còn nhớ lần doanh nghiệp tổ chức tại Trung tâm Thương mại xã Võ Liệt, mới 7 giờ sáng nhưng rất đông bà con đã tới tham quan, mua sắm. Chị Nguyễn Thị Lan ở xóm Yên Xuân (xã Võ Liệt – Thanh Chương) mua tới gần 1 triệu đồng tiền hàng vì “hàng bán ở đây bảo đảm chất lượng, mẫu mã đẹp”. Điều làm người dân nông thôn phấn khởi nhất là cơ hội được tham quan, tìm hiểu hàng Việt với những mặt hàng mà họ khó có thể biết nếu không ra thành phố. Đáng nói là các chuyến hàng về nông thôn được chính quyền, đoàn thể các địa phương rất quan tâm chuẩn bị sân bãi tuyên truyền cho nhân dân.
Trong chuyến đi "hàng Việt về nông thôn” cùng Công ty hợp tác đầu tư Việt – Lào về các xã Cao Sơn, Khai Sơn thuộc huyện miền núi Anh Sơn, chúng tôi được bà con chia sẻ: mấy ngày qua, được thông báo sẽ có hàng Việt về phục vụ nhân dân, chúng tôi háo hức lắm, bởi hàng Việt bây giờ rất chất lượng, mẫu mã đẹp. Cái mà chúng tôi cần là làm sao để nhận biết được hàng giả và hàng thật để tránh.
Theo bà Phạm Thị Mai – Phó giám đốc Trung tâm kinh doanh tổng hợp (thuộc Công ty hợp tác đầu tư Việt – Lào), không chỉ làm nhiệm vụ chính trị mà doanh thu từ những chuyến hàng Việt về nông thôn không thua kém so với các phương pháp bán hàng khác. Hơn nữa, chúng tôi rất hạnh phúc vì chúng tôi biết dân mình không quay lưng với hàng Việt.
Người dân thích mua hàng Việt - đó là khẳng định của rất nhiều doanh nghiệp. Từ những chuyến hàng Việt về nông thôn, các doanh nghiệp ý thức được ý nghĩa của chương trình nên đã thực sự đầu tư nghiêm túc vào chất lượng, cải tiến quy trình sản xuất, phân phối để giảm giá thành, chú trọng mẫu mã, quảng bá thương hiệu và quan tâm hơn đến công tác chăm sóc sau bán hàng để mở rộng kênh phân phối theo hướng lâu dài, bền vững. Chương trình cũng là dịp để người dân nông thôn có điều kiện tiếp cận với các sản phẩm thiết yếu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý. Đồng thời từng bước hình thành thói quen tiêu dùng sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Bà Võ Thị An - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An: Từ những chuyến hàng Việt về nông thôn, các doanh nghiệp quan tâm hơn đến công tác chăm sóc sau bán hàng để mở rộng kênh phân phối theo hướng lâu dài, bền vững. Đây cũng là dịp để người dân tiếp cận với các sản phẩm thiết yếu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý, từng bước hình thành thói quen tiêu dùng sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất. |
... Doanh nghiệp được hai
Hàng Việt về nông thôn không chỉ được bà con đón đợi mà ngay cả với người tổ chức, doanh nghiệp cũng đặt nhiều kỳ vọng. Anh Thái Văn Duy – nhân viên bán hàng đến từ Trung tâm phân phối Intimex - cho biết: hầu hết các mặt hàng nhu yếu phẩm đến với bà con đều có khuyến mãi, 100% mang thương hiệu Việt Nam, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thông qua hoạt động này, chúng tôi có cơ hội quảng bá hình ảnh của đơn vị tới người tiêu dùng; tăng doanh số và quan trọng hơn là hiểu hơn về nhu cầu người dân để xây dựng cơ cấu hàng hóa phù hợp hơn với từng vùng, miền.
Điều này được thể hiện rõ hơn trong Chương trình tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công Thương Nghệ An đã tiếp nhận và theo dõi gần 13.000 chương trình khuyến mại với tổng giá trị 145,3 tỷ đồng; cấp phép cho 60 hội chợ, triển lãm tổ chức tại TP. Vinh và các huyện. Có 45 gian hàng của các doanh nghiệp trong tỉnh và hơn 300 gian hàng ngoài tỉnh được trưng bày, buôn bán, tổ chức lồng ghép vào chương trình các hội chợ để giới thiệu hàng hóa, quảng bá hàng Việt Nam. Tổ chức triển khai 47 đợt đưa hàng Việt về các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tương Dương… với nguồn kinh phí hỗ trợ là 670 triệu đồng, tổng doanh thu ước đạt 35 tỷ đồng; chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An tăng cường điều tra, ngăn chặn các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu kém chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường.
Đưa hàng Việt về nông thôn là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa, góp phần loại bỏ hàng giả, hàng kém chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; giúp doanh nghiệp định hướng việc sản xuất gắn với khả năng thanh toán của người tiêu dùng ở nông thôn. Vấn đề là, hiện còn quá ít doanh nghiệp tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Ngoài lý do kinh phí hỗ trợ khá eo hẹp, các doanh nghiệp còn thiếu sự liên kết. Công tác phối hợp tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục, chưa đi sâu phát hiện nhân rộng các điển hình tiên tiến; một số cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp nhận thức chưa sâu sắc về mục đích, ý nghĩa cuộc vận động; một bộ phận dân cư còn chuộng hàng ngoại. Các sản phẩm trong nước giá thành cao, mẫu mã chưa đa dạng, khả năng cạnh tranh thấp; kênh phân phối đưa hàng Việt về nông thôn chưa thiết lập được hệ thống...