Kỳ II: Nỗ lực để “bám rễ” sâu hơn
![]() |
Điểm bán hàng Việt Nam tại Hưng Yên tạo thuận lợi cho công nhân, lao động mua sắm |
Khó duy trì lâu dài
Thừa nhận hiệu quả của các phiên chợ đưa hàng Việt về KCN, KCX, tuy nhiên, ông Phạm Hồng Thái - Phó Tổng giám đốc Intimex - cũng băn khoăn, trăn trở việc nâng cao và duy trì hiệu quả của hoạt động này.
“Khi đưa hàng về KCN, KCX, Intimex nhận thấy, người lao động luôn yêu cầu sản phẩm phải có giá rẻ, sau đó mới tính đến chất lượng. Tuy nhiên, giá bán doanh nghiệp (DN) phân phối không tự quyết được hoàn toàn mà còn phải phụ thuộc vào DN sản xuất. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ cho DN bán lẻ để người dùng có thể mua được hàng hóa với giá tốt nhất” - ông Phạm Hồng Thái cho hay.
Bà Nguyễn Thị Phương - Giám đốc Big C khu vực phía Bắc - cho biết thêm, các phiên chợ hàng Việt về KCN, KCX ngày càng được đòi hỏi cao hơn. Cụ thể, công nhân mong muốn hàng hóa đầy đủ, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh với những trải nghiệm tốt hơn như phải đi kèm với các hình thức vui chơi giải trí. “Điều này, trong khuôn khổ một phiên chợ khó lòng làm được mà cần tới những mô hình lớn hơn, bền vững hơn như siêu thị mini, siêu thị…” - bà Phương chia sẻ.
Rõ ràng, sau nhiều năm tổ chức và đạt được những thành công nhất định, các phiên chợ đưa hàng Việt về KCN, KCX đã không còn mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó, nhu cầu của lực lượng công nhân trong việc mua sắm và sử dụng hàng hóa ngày càng cao hơn. Ông Đặng Văn Chính - Chủ tịch Công đoàn các KCN tại Quảng Ninh - cho hay, các phiên chợ hàng Việt về KCN, KCX là sự kiện được nhiều công nhân mong chờ, đặc biệt là công nhân ngành than có đặc trưng nặng nhọc, phải làm việc theo ca, không có quá nhiều thời gian để mua sắm… Tuy nhiên, trong một số phiên chợ, tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn vẫn còn xảy ra, khiến công nhân mất niềm tin vào hàng Việt Nam, làm giảm sức hấp dẫn và ý nghĩa của các phiên chợ.
Tìm giải pháp bền vững
Tìm giải pháp đưa hàng Việt về với lực lượng công nhân, đặc biệt là công nhân làm việc tại các KCN, KCX là một trong những mục tiêu chính của Chương trình hành động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) của Bộ Công Thương trong năm 2018. Đây cũng là hoạt động chào mừng sự kiện tròn 10 năm CVĐ được triển khai, sẽ diễn ra vào năm 2019 tới.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc đẩy mạnh đưa hàng Việt về KCN, KCX theo 3 hình thức: Xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam gần các KCN; tổ chức các đợt bán hàng giảm giá cho công đoàn viên có thẻ đoàn viên; hỗ trợ kết nối đưa hàng hóa trực tiếp đến các KCN theo đơn hàng của công đoàn đứng ra tổ chức mua và phân phối. Đến nay, đã nhận được sự hưởng ứng của các địa phương và DN như Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên, Bắc Giang, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Vinatex…
Cụ thể, ngay trong Tháng Công nhân năm 2018 (tháng 5/2018), Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã triển khai chương trình khuyến mại giảm giá 3% tổng giá trị toàn bộ đơn hàng cho người mua có thẻ đoàn viên công đoàn tại chuỗi siêu thị, cửa hàng Hapromart, Haprofood tại Hà Nội. Tập đoàn Dệt May Việt Nam thì áp dụng chương trình giảm giá bán trực tiếp trên sản phẩm may mặc cho người lao động tại hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm của đơn vị và hệ thống đại lý vào đúng dịp Tháng Công nhân… Hoạt động này không chỉ triển khai trong năm nay mà sẽ còn được kéo dài trong Tháng Công nhân những năm tới.
Đẩy mạnh xây dựng các điểm bán hàng cố định cho công nhân cũng là hoạt động trọng tâm của các DN. Trong đó, Điểm bán hàng Việt Nam tại siêu thị LanchiMart Đồng Văn (Hà Nam) là một trong những điểm tiêu biểu. Chị Nguyễn Trâm Anh - công nhân may tại KCN Đồng Văn - chia sẻ, kể từ khi điểm bán hàng này đi vào hoạt động, chị đã có thể mua sắm hàng hóa dễ dàng hơn sau giờ làm. Điểm bán hàng Việt Nam này có rất nhiều chương trình khuyến mại, nhiều mặt hàng thực phẩm, rau, quả, đồ ăn được chế biến sẵn với giá cả phải chăng, rất phù hợp với công nhân.
Không chỉ riêng điểm bán tại KCN Đồng Văn, bà Nguyễn Thị Hải Thanh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hapro - cho hay, Hapro xác định công nhân ở KCX, KCN là khách hàng tiềm năng. Do đó, tại Hà Nội, Tổng công ty đã có 2 siêu thị đặt gần các KCN Nam Thăng Long, Bắc Thăng Long chuyên phục vụ đối tượng có thu nhập vừa phải. Hàng năm, Hapro cũng làm việc với các KCN để tổ chức hội chợ Tết, kết hợp chương trình bình ổn giá phục vụ cho người lao động.
Với Intimex hiện đã có siêu thị cung cấp hàng hóa gần các KCN ở Hưng Yên, Hải Dương. “Mới đây, Công ty May Tinh Lợi (Hải Dương) đã mời chúng tôi xây dựng cửa hàng tiện ích gần công ty để cung cấp mặt hàng thiết yếu cho công nhân. Chúng tôi đang xem xét đề xuất này vì lực lượng công nhân tại công ty nói riêng và KCN Nam Sách (nơi công ty hoạt động) khá đông đảo” - Phó Tổng giám đốc Intimex - cho hay.
Trong khuôn khổ Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ được triển khai bởi Bộ Công Thương, đến nay, cả nước đã xây dựng được 104 Điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Trong đó nhiều điểm bán được thiết lập tại khu vực có nhiều KCN, KCX của Hà Nội, Hà Nam, Bình Dương... Từ nay đến năm 2020, tại các địa phương, Bộ Công Thương sẽ xây dựng ít nhất 1 Điểm bán hàng Việt Nam, tập trung một phần ở khu vực gần các KCN, KCX. |
![]() |