Hà Nội: Tạm giữ hàng trăm bánh trung thu có dấu hiệu nhập lậu Hà Nội: Đấu giá 48 xe ô tô của Transerco, giá khởi điểm hơn 6 tỷ đồng |
Nơm nớp lo nhà bị... cuốn trôi
Theo phản ánh của người dân, hiện nay khoảng gần 50m đê sông Hồng, thuộc làng gốm cổ Kim Lan (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) xuất hiện tình trạng sạt lở đê kè, đe dọa đến đời sống và mất an toàn hệ thống đê điều. Trước thực trạng đó, người dân đã "cầu cứu" chính quyền địa phương ngay sau khi phát hiện sự việc.
Khu vực sạt lở đất của gia đình ông Hà có chiều dài khoảng 40m và chiều ngang từ 6-8m. Ảnh: Trang Nhung |
Ngày 14/8, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chị Đỗ Thị Trang Nhung, ở thôn 4, xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội cho biết, hiện gia đình chị và 3 hộ dân khác nằm trong khu vực đất bị sạt lở, nhưng nhà chị bị ảnh hưởng nặng nhất. Các hộ dân sinh sống ở đây có nghề gốm truyền thống thuộc làng gốm cổ Kim Lan (xã Kim Lan).
Theo chị Đỗ Thị Trang Nhung, từ nhỏ đến nay, đây là lần đầu chị được chứng kiến cảnh sạt sở đáng sợ lại vào đúng gia đình mình vì nằm ngay sát đê sông Hồng. Chị Nhung cho biết, theo lời kể của bố mẹ chồng chị và hàng xóm, việc sạt lở này xảy ra từ trước những năm 1971 và gần nhất là năm 1996.
Những năm đó, đến mùa nước lên, người dân đều rất hoang mang lo đất bị sạt lở nhà bị sụt xuống sông. Tại thời điểm đó, có nhiều căn nhà đã bị nước lũ cuốn trôi phải di dời đến khu tái định cư.
“Sau 28 năm, chúng tôi lại chứng kiến hiện tượng sạt lở xảy ra, khiến các hộ dân sinh sống tại đây rất hoang mang. Sau một đêm, nhà đã mấp mé rìa sông, nhiều tài sản bị nước cuốn trôi. Trước tình cảnh này, gia đình tôi rất bàng hoàng, lo lắng”, chị Nhung kể lại.
Theo chị Nhung, khu vực đất sạt lở này được gia đình dùng làm nơi sản xuất, kho chứa đồ dùng, các dụng cụ. Cũng may 2 chiếc xe tải chưa bị nước cuốn trôi.
Nhiều tài sản của người dân làng gốm cổ Kim Lan bị nước lũ nhấn chìm. Ảnh: Trang Nhung |
Cũng theo chị Nhung, ngay sau khi xảy ra sự việc, gia đình chị đã gọi báo chính quyền địa phương đến nắm bắt tình hình và đưa ra hướng khắc phục sự cố sạt lở để những hộ dân sinh sống dọc bờ sông Hồng yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, theo chị Nhung phản ánh: “Ngoài nguyên nhân do mưa lũ, phải chăng một phần nguyên nhân do tình trạng khai thác cát trái phép dòng dã nhiều năm đã khiến dòng sông bị "đục khoét" là tác nhân gây nên sạt lở? Chúng tôi khẩn thiết cầu cứu phía các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để biện pháp ngăn chặn triệt để, bảo vệ lòng sông, bảo vệ sự an toàn cho người dân".
Tình trạng hút cát trái phép trên sông chính quyền không nắm rõ?
Liên quan đến sự việc này, ngày 14/8, trao đổi với Báo Công Thương, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Kim Lan (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) xác nhận có hiện tượng sạt lở đất tại gia đình ông bà Hà - Lương (bố mẹ chồng chị Đỗ Thị Trang Nhung) ở thôn 4, xã Kim Lan.
Nhiều tài sản gia đình ông bà Hà - Lương bị nước lũ nhấn chìm trong đêm. Ảnh: Trang Nhung |
Nguy cơ sạt lở đê kè tại xã Kim Lan đang bị đe dọa nghiêm trọng. Ảnh: Trang Nhung. |
Chủ tịch UBND xã Kim Lan cho biết, cả dãy nhà dân sinh sống thuộc khu đất cao, rất đứng. Khi nước lũ dâng lên cao đã thấm vào chân đê là cát pha dẫn đến sạt lở. Hiện có 2-3 hộ nằm trong khu vực đất có nguy cơ sạt lở. Trong đó, gia đình ông Hà có diện tích đất bị sạt lở nhiều nhất với chiều dài khoảng 40m và chiều ngang từ 6-8m.
“Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, ngày 13/8, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội, Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội và Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đã trực tiếp xuống hiện trường để nắm bắt tình hình và tìm hướng khắc phục. Qua khảo sát thực địa, đoàn công tác xác định đây là trường hợp cấp bách cần thiết lập ngay dự án để khắc phục tại khu vực đê kè bị sạt lở. Thời gian khắc phục sẽ được sớm được thực hiện”, ông Nguyễn Mạnh Hà thông tin.
Cần sớm khắc phục sự cố sạt lở tại làng gốm cổ Kim Lan, xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Ảnh: Trang Nhung. |
Trao đổi về thông tin người dân phản ánh, một phần nguyên nhân sạt lở nêu trên là do tình trạng hút cái trái phép xảy ra liên tục tại khu vực này, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Hà cho hay, UBND xã Kim Lan sẽ tiếp thu và xác minh thêm.
“Việc người dân phản ánh tình trạng hút cát trái phép ở trên sông tôi cũng không nắm rõ vì khu vực này không phải khu vực cho phép hút cát. Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận và tiếp thu ý kiến của bà con. Bởi, theo xác định ban đầu của đoàn công tác, nguyên nhân sạt lở do nước lũ dâng cao. Tại buổi làm việc, đoàn công tác cũng chưa có đánh giá đến nội dung người dân phản ánh sạt lở là do hút cát”, ông Hà nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cũng cho biết, chính quyền xã Kim Lan đã yêu cầu người dân di chuyển đến nhà văn hóa thôn tạm lánh để đảm bảo an toàn, tuy nhiên, người dân còn nhiều tài sản nên có nguyện vọng ở lại. Vì vậy, UBND xã Kim Lan đã cho gia đình ông bà Hà - Lương viết cam kết tự chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra.
Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ và lịch sử, nghề gốm ở Kim Lan đã tồn tại từ hơn 1.000 năm trước và từng có thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Qua các cuộc khai quật tại di chỉ bãi Hàm Rồng trong các năm 2001 và 2003, các nhà nghiên cứu xác định rằng, nghề gốm Kim Lan đã tồn tại từ thế kỷ VIII và phát triển mạnh mẽ đến thế kỷ XVIII. Từ thời kỳ này, gốm Kim Lan được coi trọng như một sản phẩm quý giá, đứng bên cạnh lụa, gấm, châu, ngọc. Ngoài những sản phẩm cao cấp, Kim Lan còn sản xuất gốm mộc, gốm thô mang vẻ giản dị mộc mạc. Làng Kim Lan trở thành nơi sản xuất đồ gốm gia dụng cho kinh thành Thăng Long xưa. Tuy nhiên, từ thế kỷ XVIII, nghề gốm ở Kim Lan dần suy thoái. |