Chủ nhật 11/05/2025 14:11

Hàng Tết - Đủ đầy và trong tầm kiểm soát

Đã xưa lắm rồi câu hỏi “nhà nước lo cho dân đủ hàng Tết hay không?”, thay vào đó, sau hơn 30 năm đổi mới, câu hỏi là “Tết này, hàng hóa không thiếu nhưng giá cả có biến động bất thường hay không?”.
Ảnh minh họa

Thực tế, nhiều năm qua, hàng Tết không thiếu, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Hàng Tết được lưu thông qua hàng chục nghìn chợ truyền thống, hơn 800 siêu thị, 160 trung tâm thương mại, hàng chục nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, hàng nghìn chuyến bán hàng lưu động trên khắp cả nước, các hội chợ xuân, chợ nông sản, phiên chợ hàng Việt...

Vì vậy, những câu hỏi khác được đặt ra: Hàng Việt có chiếm ưu thế? An toàn thực phẩm có được bảo đảm?

Về câu hỏi thứ nhất, không khó nhận thấy, hàng Tết “Made in Vietnam” hiện hữu phần lớn trên các kệ, sạp hàng tại các chợ truyền thống, các siêu thị, trung tâm thương mại. Nguyên nhân dễ hiểu, các doanh nghiệp trong nước đã nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm giá thành, đáp ứng nhu cầu phần lớn người tiêu dùng trong nước... Nguyên nhân sâu xa là, các doanh nghiệp Việt không thể không chớp lấy thời cơ “mỗi năm có một” này.

Hơn 17.000 tỷ đồng của doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh hay 23.000 tỷ đồng hàng Tết Đinh Dậu 2017 của doanh nghiệp Hà Nội là minh chứng rõ ràng nhất.

Cụ thể hơn, Vissan sẽ cung ứng các sản phẩm 3.000 tấn thịt heo, thịt bò tươi sống và 3.200 tấn thực phẩm chế biến các loại, đồng thời cam kết giá chỉ có giảm, không tăng. Hapro dự trữ các mặt hàng Tết trị giá khoảng 1.200 tỷ đồng, chủ yếu là sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam chất lượng cao. Satra đủ khả năng cung ứng khoảng 7.098 tấn hàng cho 1 tháng Tết, trong đó, thịt heo 3.600 tấn, thực phẩm chế biến 2.206,7 tấn (tăng 24,6%), gạo, đường, dầu ăn, nước mắm... 1.291,9 tấn. Tổng lượng hàng hóa Co.opmart cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết 2017 hơn 110.000 tấn... Những con số đó cho thấy hàng Việt chắc chắn sẽ chiếm ưu thế trên thị trường Tết Đinh Dậu 2017.

Với câu hỏi thứ hai, trước tết nhiều ngày, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các thành phố lớn đẩy mạnh các hoạt động kết nối những sản phẩm nông sản thực phẩm sạch, an toàn. Nhiều địa phương có nhiều động thái quyết liệt. Chẳng hạn, TP.Hồ Chí Minh đã thực thi đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo trên kênh mua sắm hiện đại; tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, kiểm soát thị trường Tết...

Tuy nhiên, giá cả thị trường Tết có thể tăng chút ít, đó là chuyện bình thường theo đúng quy luật cung cầu. Nhiều năm nay, thị trường Tết vẫn nằm trong tầm kiểm soát, không có gì đáng lo.

Trần Phương