Nhức nhối hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử Thêm giải pháp chống hàng giả, hàng nhái Nhận diện và tìm giải pháp ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại |
Mặc dù lực lượng chức năng liên tục tổ chức các đợt truy quét hàng lậu, hàng giả tại các điểm kinh doanh lớn trên địa bàn với hàng ngàn sản phẩm vi phạm bị tịch thu, nhưng vấn nạn hàng giả tại TP. Hồ Chí Minh vẫn không được giải quyết một cách triệt để trong khi Quản lý thị trường Thành phố đã từng ra quân, cam kết.
Theo phản ánh của báo chí gần đây, Trung tâm thương mại Saigon Square là điểm nổi cộm buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, giả nhãn hiệu...Năm 2020, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xử phạt 38 vụ trong chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại (TTTM) Saigon Square, tịch thu tiêu hủy gần 3.000 đơn vị sản phẩm quần áo, túi xách, ba-lô, ví, giày dép, đồng hồ... giả nhãn hiệu, không xuất xứ, trị giá gần 3 tỷ đồng.
Hàng giả, hàng nhái vẫn được bày bán tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh |
Tháng 8/2022 Đội Quản lý thị trường số 14 phối hợp với Ủy ban nhân dân phường Tây Thạnh kiểm tra Điểm kinh doanh quần, áo may sẵn tại số 165/33 đường Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh do ông M-X-D làm chủ, đã tạm giữ 1.790 cái quần, áo may sẵn có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Louis Vuitton và Adidas…
Trên thực tế, các loại quần áo, giày, dép nhái các thương hiệu nổi tiếng như: Nike, Adidas, Louis Vuitton - LV, Gucci, Lascote…, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được nhiều cửa hàng, shop thời trang công khai bày bán tại nhiều tuyến phố thuộc huyện Bình Chánh, TP. Thủ Đức…, cho tới các quận trung tâm TP. Hồ Chí Minh, như quận 1, quận 3, thậm chí ngay trong Trung tâm mua sắm Saigon Square.
Theo đó, hàng loạt các sản phẩm ví da nam mang thương hiệu Gucci, Louis Vuitton – LV, Prada, Thom Browne… được bày bán với mức giá khoảng 600.000 - 750.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, các loại ví của những thương hiệu này có giá hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng/ sản phẩm.
Đáng chú ý, hầu như những người bán hàng ở đây đều biết những sản phẩm mà mình bán là hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhưng lại vẫn “ngang nhiên” tư vấn, bán cho khách hàng như không có sự tồn tại của các cơ quan chức năng.
Trả lời Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hồng Hải, Đội trưởng Đội QLTT số 4 cho hay, tại Trung tâm thương mại Saigon Square, Lucky Plaza, chợ Bến Thành (Q.1), hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, giả nhãn hiệu... và ngày càng diễn biến phức tạp. Sau khi lực lượng chức năng tuyên truyền thì 100% hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Nhưng thực tế, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó.
Đáng nói, trước đó ngày 20/01/2021 Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã từng kiến nghị lên UBND TP. Hồ Chí Minh, đề nghị cho đóng cửa Trung tâm Thương mại Saigon Square. Lý do cần phải đóng cửa được Cục Quản lý thị trường đưa ra là vì nơi đây kinh doanh nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn tồn tại, ngang nhiên “thách thức” các cơ quan chức năng.
Vẫn theo ông Hải, Lực lượng QLTT đã mời chủ đầu tư Saigon Square lên để làm rõ trách nhiệm trong việc tổ chức cho thuê kinh doanh nhưng đơn vị này vẫn chưa đến làm việc nên năm nay, QLTT tiếp tục đề xuất có quy định về quản lý và chế tài đối với loại hình kinh doanh như TTTM Saigon Square...