Là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với thị trường giao dịch hàng hóa tập trung tại Việt Nam, Báo Công Thương đã nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc về thị trường đầu tư mới mẻ này. Trong đó, nổi bật nhất là các câu hỏi liên quan tới hạn mức trong hoạt động giao dịch hàng hóa tại MXV.
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc phụ trách Quản lý Rủi ro của MXV để giải đáp rõ hơn những thắc mắc này của bạn đọc.
ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc phụ trách Quản lý Rủi ro của MXV |
Hạn mức giao dịch ở đây được hiểu cụ thể là gì, thưa ông?
Hạn mức giao dịch là số hợp đồng tối đa mà các Sở quốc tế cấp cho MXV để giao dịch theo từng sản phẩm cụ thể. Hạn mức này có sự khác nhau giữa Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group), Sở Giao dịch Hàng hóa Liên lục địa (The ICE), Sở Giao dịch Kim loại London (LME), Sở Giao dịch Singapore (SGX), Sở Giao dịch Osaka (OSE) và Sở Giao dịch Bursa Malaysia (BMD).
Hạn mức giao dịch được các Sở quốc tế sử dụng để đảm bảo các thị trường phát triển một cách ổn định, tránh được các rủi ro và sự thao túng giá hàng hóa. Sau hơn 3 năm hợp tác và học hỏi kinh nghiệm từ các Sở quốc tế, MXV hoàn toàn nhận thức được tầm quan trọng của hạn mức giao dịch trong việc phát triển thị trường một cách ổn định và bền vững.
So với thế giới, Việt Nam vẫn là thị trường rất non trẻ, nên việc áp dụng hạn mức giao dịch đối với từng Thành viên Kinh doanh (TVKD) và từng mặt hàng là điều rất cần thiết. Điều này sẽ giúp hạn chế rủi ro đối với các nhà đầu tư. Hạn mức giao dịch sẽ được nới rộng theo sự phát triển của thị trường nói chung và từng thành viên nói riêng một cách bền vững và có kiểm soát.
Ông có thể chia sẻ cách MXV đang phân bổ các hạn mức này như thế nào?
Sau khi MXV được các Sở quốc tế cấp hạn mức, chúng tôi sẽ phân bổ xuống các TVKD dựa vào một số tiêu chí, trong đó: (i) đánh giá nhu cầu giao dịch thực tế từng mặt hàng của TVKD; (ii) đánh giá năng lực tài chính của các TVKD; (iii) khả năng đáp ứng và tuân thủ các quy định quản trị rủi ro của MXV; (iv) số năm kinh nghiệm giao dịch hàng hóa;... TVKD căn cứ vào hạn mức MXV đã cấp để phân bổ hạn mức phù hợp cho từng hợp đồng của mỗi sản phẩm.
Khách hàng được TVKD cấp hạn mức giao dịch, đồng thời được thông báo để chủ động các kế hoạch ký quỹ cũng như giao dịch trong phạm vi thỏa thuận giữa khách hàng và TVKD, trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành và quy định của MXV. MXV sẽ có thông báo nếu TVKD vi phạm hạn mức được cấp và sẽ có các chế tài xử lý theo Bộ quy định xử lý vi phạm Thành viên.
MXV đang là Sở giao dịch hàng hóa duy nhất đang hoạt động trên thị trường Việt Nam |
Được biết, MXV hiện đang thực hiện Quyết định số 1369/QĐ-BCT và 1398/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc tổ chức giao dịch các mặt hàng có điều kiện, trong đó có năng lượng. Hạn mức giao dịch của các mặt hàng trong nhóm này có gì khác biệt so với các sản phẩm khác hay không, thưa ông?
Các mặt hàng trong nhóm năng lượng luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư trong nước bởi tính thanh khoản cao và tỉ suất lợi nhuận hấp dẫn. Tuy nhiên, đây là thị trường có khối lượng giao dịch hàng ngày rất lớn, thời gian giao dịch liên tục 24/24 giờ mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, nên MXV đã thực hiện một số công tác cần thiết để tổ chức giao dịch một cách an toàn và hiệu quả.
Để giao dịch các mặt hàng năng lượng, TVKD cần làm bộ hồ sơ đăng ký giao dịch và được hội đồng xét duyệt chấp thuận. Sau khi được chấp thuận, TVKD sẽ phải nộp Khoản dự phòng rủi ro tương ứng với hạn mức giao dịch được cấp. Hiện nay, có 12/32 TVKD được MXV cho phép giao dịch nhóm năng lượng. Khi khách hàng có nhu cầu giao dịch nhưng không còn hạn mức giao dịch năng lượng ở TVKD này, khách hàng hoàn toàn có thể liên hệ các TVKD khác để được giao dịch.
Không chỉ tại MXV, các Sở Giao dịch lớn trên thế giới cũng áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động giao dịch năng lượng sau sự kiện giá dầu xuống mức âm vào ngày 19/04/2020. Do đó, việc MXV cấp và quản lý hạn mức đối với nhóm mặt hàng năng lượng nói chung, và các sản phẩm dầu Brent và dầu WTI nói riêng, bên cạnh việc áp dụng các quy định về quản trị rủi ro đã công bố là việc thiết yếu và bắt buộc để duy trì tính ổn định và bền vững của thị trường. Với vai trò tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa tập trung tại Việt Nam, MXV sẽ được phép thực hiện một số nghiệp vụ để quản lý rủi ro, bao gồm nhưng không giới hạn việc tăng/ giảm ký quỹ yêu cầu; tạm ngưng mở vị thế mới của TVKD; đóng vị thế bắt buộc một phần hoặc toàn bộ; và các biện pháp khác mà MXV nhận thấy cần thiết để bình ổn thị trường.
Vậy trong tương lai, liệu thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam có được cấp các hạn mức giao dịch lớn hơn không, thưa ông?
Sau hơn 3 năm liên thông với thế giới, thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam đã có những sự phát triển đáng khích lệ, được sự ghi nhận của Bộ Công Thương và các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, nếu so với bề dày lịch sử hàng trăm năm của các Sở Giao dịch lớn trên thế giới, chung ta vẫn cần phải học hỏi và nỗ lực rất nhiều. Hạn mức giao dịch tại thị trường Việt Nam sẽ tăng lên, tỉ lệ thuận với sự phát triển của thị trường nói chung, cũng như sức ảnh hưởng của Việt Nam lên thị trường hàng hóa thế giới.
MXV đã và đang cố gắng nỗ lực hoàn thành sứ mệnh và vai trò của mình trong việc là Sở giao dịch hàng hóa duy nhất đang hoạt động trên thị trường Việt Nam. Các TVKD cũng như khách hàng cần có trách nhiệm tuân thủ Luật tham chiếu bao gồm nhưng không giới hạn ở: (i) Luật thương mại 2005; Nghị định 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 và Nghị định 51/2018/NĐ-CP ngày 09/04/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá và các văn bản sửa đổi, bổ sung; (ii) Tất cả các Điều lệ, Quy chế, Quy định hay quy trình được xây dựng và ban hành bởi MXV, Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài có liên thông với MXV; (iii) Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.
Xin cảm ơn ông!