Mới đây, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã gửi Văn bản số 2615/CHQTPHCM-CBLXL ngày 19/9/2024 đến Tổng cục Hải quan về việc xử lý hàng hóa là tang vật bị tịch thu do vi phạm hành chính.
Theo đó, từ năm 2018 - 2020, đơn vị đã tổ chức xử lý, bán đấu giá được 5 lô hàng với tổng giá trị hơn 10,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, trong quá trình đề xuất phương án xử lý, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh gặp nhiều vướng mắc.
Hải quan TP. Hồ Chí Minh gặp nhiều vướng mắc đối với việc xử lý hàng hoá vi phạm hành chính. Ảnh MH |
Cụ thể, trong công tác xử lý các xe vi phạm chính sách nhập khẩu gồm: Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung số máy; máy chuyên dùng không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu; xe vi phạm có thiết bị cài đặt phần mềm chứa hình ảnh “đường lưỡi bò”,... Đây là những loại xe không đủ điều kiện cấp thông báo kết quả kiểm tra chất lượng nhà nước về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, do đó không thể đưa vào lưu thông trên thị trường.
Trong khi đó, việc tiêu hủy các phương tiện này rất khó khăn, tốn kém và lãng phí (chi phí tiêu hủy cao, hàng hóa vẫn còn giá trị sử dụng). Để đáp ứng điều kiện tiêu hủy theo quy định của pháp luật, khó có đơn vị nào đủ chức năng thực hiện vì trong xe có chứa một số chất là chất thải nguy hại và một số xe có khối lượng rất lớn nên việc tiêu hủy sẽ khó khả thi.
Do đó, từ năm 2020-2021, khi Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đề xuất phương án xử lý theo hướng tiêu hủy số khung, số máy, và bán đấu giá để tận dụng phụ tùng, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh đã có công văn phản hồi cho rằng phương án này không phù hợp với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP.
Đối với các tang vật là hàng hóa đã qua sử dụng, hàng cấm nhập khẩu, nhưng thuộc nhóm quản lý chuyên ngành như điện thoại di động, máy tính xách tay, lò nướng, lò vi sóng, nồi cơm điện, ấm đun nước siêu tốc, máy in, loa, máy lạnh,... việc xử lý bằng hình thức bán đấu giá chỉ được thực hiện khi đảm bảo hàng hóa đáp ứng đầy đủ các quy định về kỹ thuật và an toàn của nhà nước.
Tuy nhiên, các hàng hóa này thường thiếu hồ sơ hải quan và chứng từ liên quan, gây khó khăn trong việc xác định nguồn gốc và chất lượng để thực hiện các thủ tục kiểm tra theo quy định. Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành đối với nhóm hàng hóa là tang vật vi phạm bị tịch thu.
Ngoài ra, các vướng mắc về chi phí trong quá trình bảo quản, xử lý tang vật và các hoạt động liên quan như giám định chất lượng, thẩm định giá trị đang là một trong những thách thức lớn đối với các cơ quan hải quan.
Thêm vào đó, nếu không thống nhất được hình thức xử lý phù hợp, đúng quy định pháp luật từ sớm thì việc bỏ ra chi phí giám định sẽ rất lãng phí. Trường hợp buộc phải tiêu hủy thì không cần thiết phải giám định/thẩm định. Việc giám định/thẩm định cho hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không an toàn cho người tiêu dùng, và không phù hợp để đưa vào lưu thông là lãng phí, gây tốn kém không cần thiết cho ngân sách nhà nước.
Từ những vướng mắc trên, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều công văn báo cáo, trình Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, các công văn trả lời chưa có hướng dẫn cụ thể, và chưa thể tháo gỡ được những khó khăn của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh để tổ chức thực hiện thống nhất và triệt để.